Nghệ nhân bàn tay vàng say mê với nghề truyền thống
Bà Nguyễn thị Thuý với sản phẩm bánh đa trắng |
Gặp nghệ nhân Phạm Quí Ngọc (51 tuổi) tại cơ sở sản xuất bánh đa truyền thống Ngọc Xinh ở 25/93/152 Chợ Hàng phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng vào ngày đầu thu tháng 9/2023. Mặc dù đang bận rộn với công việc bảo dưỡng hệ thống máy móc để phục vụ sản xuất các sản phẩm bánh đa nhưng ông vẫn vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi.
Ông chia sẻ, để có những hệ thống máy móc phục vụ cho việc sản xuất các loại bánh đa có chất lượng tốt, đạt năng suất cao, đảm bảo môi trường cũng như giảm tiện tối đa sức lao động của công nhân như hiện nay, tôi đã phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc để nghiên cứu, đầu tư chế tạo ra nó. Xuất phát từ việc nhiều năm trước đây tôi chỉ sản xuất các loại bánh đa theo lối mòn truyền thống, dần dần đã không đáp ứng được chất lượng cũng như nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Tôi đã tìm đến nhiều cơ sở sản xuất bánh đa có trang bị một số máy móc trong các khâu sản xuất không chỉ ở Hải Phòng mà còn ở nhiều tỉnh thành khác để tham quan, học hỏi, từ đó về tự mày mò thiết kế, chế tạo ra những máy móc thay thế dần cho việc làm thủ công. Đã có không ít lần gặp phải những khó khăn cũng như thất bại, nhưng được sự ủng hộ, động viên của gia đình, bạn bè người thân nên tôi vẫn kiên trì theo đuổi nghề.
Đơn cử như trước đây, công việc đưa gạo từ kho ra để ngâm xay rất vất vả, tôi đã nghiên cứu chế tạo ra hệ thống băng chuyền bơm gạo... Rồi dây chuyền hấp bánh cũng dùng hệ thống hơi nước nóng từ lò hơi ra; Việc sấy bánh, tôi đã mạnh dạn đưa hệ thống đèn hồng ngoại vào và đạt hiệu quả rất tốt, thay thế cho việc dùng than vừa độc hại và ô nhiễm môi trường; công đoạn trước khi đưa sản phẩm ra thái, cắt tôi dùng công nghệ làm lạnh (-10 C ) đã rút ngắn thời gian cho ra sản phẩm xuất sưởng từ (3-4h) và không phải đem ra môi trường phơi...Đặc biệt, với công nghệ làm lạnh này sản phẩm đạt chất lượng cao hơn, giảm tỷ lệ nấm mốc, lên men giúp bảo quản cũng như vận chuyển đi xa ...
Với hệ thống máy móc theo dây chuyền khép kín như hiện nay chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm được đảm bảo, vì từ khi đổ gạo vào băng chuyền cho đến công đoạn ra sản phẩm không có bất cứ sự can thiệp bằng "tay" nào của công nhân.
Nhờ đó, năng lực sản xuất từ khi có hệ thống máy đã tăng gấp nhiều lần, trung bình đạt 7-8 tấn gạo nguyên liệu/ ngày, tương ứng với gần 10 tấn bánh các loại được xuất xưởng. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ ở thị trường Hải Phòng mà còn được đưa vào các siêu thị, vận chuyển đi tiêu thụ ở Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh ... Hiện cơ sở sản xuất có hơn 10 lao động, với mức lương đạt từ 10-15 triệu đồng một tháng/ người.
Ông Phạm Quí Ngọc bên hệ thống máy sản xuất bánh đa tại cơ sở Ngọc Xinh |
Mặc dù hệ thống máy móc phục vụ cho sản xuất bánh đa đã cơ bản hoạt động tốt, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cũng như nhu cầu tiêu thụ của khách hàng nhưng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến hoàn thiện hơn để phục vụ không chỉ cho cơ sở của mình mà còn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm nhằm giúp đỡ những hộ dân đang sản xuất sản phẩm truyền thống này ở địa phương. Hiện nay ở khu vực tôi đã có tôi và một hộ nữa áp dụng đưa máy móc vào sản xuất các sản phẩm bánh đa, còn lại (hơn 10 hộ) vẫn đang còn làm chủ yếu theo công nghệ truyền thống nên năng suất chưa cao...Tới đây, chắc chắn sẽ có nhiều hộ trang bị máy móc tiên tiến để sản xuất như tôi...
Ông Phạm Ngọc Quí còn cho biết: Nghề truyền thống này đã có lịch sử hơn 100 năm ở địa phương, trải qua nhiều thăng trầm nhưng nay vẫn duy trì và đang trên đà phát triển tốt. Ông cũng như nhiều hộ dân trên địa bàn đang sản xuất các loại sản phẩm bánh đa trắng, đỏ, khô, ướt rất đặc thù. Chất lượng sản phẩm được đại đa số người tiêu dùng trên cả nước ưa chuộng...Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa được công nhận là "làng nghề". Ông Qúy cùng người dân làm nghề, mong các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng có thẩm quyền quan tâm để , những người làm nghề chúng tôi được động viên, có thêm động lực duy trì phát triển tốt hơn nữa nghề truyền thống, sản phẩm truyền thống ông cha để lại, làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho thành phố....
Bà Nguyễn Thị Thuý, 66 tuổi ở 1/82/152 Hồ Sen mới phường Dư Hàng Kênh, là một hộ sản xuất bánh đa cùng địa bàn với ông Ngọc và là người cũng đã trang bị máy móc để sản xuất bánh đa đỏ, trắng, khô, ướt truyền thống.
Bà chia sẻ: Tôi kế thừa nghề này của ông Bà cha mẹ để lại cũng đã vài chục năm rồi, tôi cũng đã thay đổi cách làm thủ công sang làm máy được nhiều năm. Trước đây làm thủ công năng suất thấp, ô nhiễm, nay chuyển làm bằng điện năng suất cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn....hiện mỗi ngày tôi làm ra gần 1 tấn bánh đa các loại, tiêu thụ rất tốt, do có máy sấy nên chủ động không bị phụ thuộc thời tiết và không phải phơi ngoài trời nên sản phẩm sạch hơn...
Thiết nghĩ, nghề truyền thống sản xuất bánh đa ở Hải Phòng nói chung và sản phẩm bánh đa đỏ ở phường Dư Hàng Kênh nói riêng đã có tiếng trên thị trường và là một địa phương có truyền thống lâu đời, được nhiều người bết đến, mong các ban ngành chức năng công nhận là "làng nghề" đối với địa phương...
Trước mắt, rất cần được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, thành phố tạo điều kiện cho người dân duy trì, phát triển nghề, tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình, du lịch ...đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.