Nồng nàn hương vị rượu Quán Đế Phú Yên
Rượu trứ danh cùng thời gian
Rượu Quán Đế của xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu vinh dự được UBND tỉnh Phú Yên chọn là một trong những sản phẩm phục vụ Lễ kỷ niệm Phú Yên 400 năm, gắn với Năm du lịch Quốc gia khu vực duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên vào năm 2011, mới thấy sự trường tồn cùng thời gian và thương hiệu rượu Quán Đế nổi tiếng của Phú Yên.
Đường vào Làng nghề rượu Quán Đế ở thôn Bình Thạnh Nam, xã Xuân Bình |
Với hương vị thơm ngon, cay nồng nơi cổ họng, rượu Quán Đế dùng chung cùng bò một nắng, muối kiến vàng, mực khô sẽ tạo nên hương vị ẩm thực riêng biệt bậc nhất của tỉnh Phú Yên.
Ngày xưa, loại rượu này bán lẻ trên đường thiên lý Bắc – Nam để phục vụ khách đường xa và quan lại đi công cán. Rượu Quán Đế được người dân nấu theo công thức gia truyền hoàn toàn bằng thủ công, có hương vị thơm ngon được người dân cả nước ưa chuộng, tin dùng nên có độ tiêu thụ mạnh từ Nam ra Bắc.
Hỗ trợ máy nấu rượu bằng điện tử và tủ cơm điện |
Rượu Quán Đế Phú Yên có 3 loại chính là rượu Quán Đế trắng, rượu Quán Đế ngâm cá ngựa và Quán Đế ngâm cá ngựa kết hợp với dược liệu. Trong đó, loại rượu ngâm cá ngựa và dược liệu được ưa chuộng hơn hẳn, bởi rượu có thể giúp người bệnh cải thiện các bệnh liên quan đến sinh lý, thận, bồi bổ khí huyết, tim mạch, chống mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
Làng nghề rượu Quán Đế xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu được UBND tỉnh Phú Yên công nhận năm 2012, với 25 hộ tham gia. Mỗi cơ sở sử dụng từ 2 đến 3 lao động chủ yếu là người trong gia đình; làng nghề hoạt động liên tục quanh năm, sản lượng sản xuất khoảng 93.600 lít/năm, doanh thu đạt khoảng 1,87 tỷ đồng, thu nhập bình quân từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Máy lọc rượu Quán Đế |
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình Trương Ngọc Lâm, cho biết: Nghề sản xuất rượu Quán Đế được hình thành từ rất lâu và duy trì qua nhiều thế hệ trong gia đình, được thị trường trong và ngoài tỉnh Phú Yên đón nhận nhờ vào quy trình sản xuất truyền thống thủ công và sự ưu đãi của thiên nhiên về nguồn nước. Ngoài sản phẩm chính là rượu, thì phế phẩm còn dùng trong chăn nuôi hoặc đem bán để có thêm thu nhập. Sản lượng sản xuất tiêu thụ mạnh ra thị trường, nên những năm qua nghề sản xuất rượu là nguồn thu nhập chính của các hộ dân trong làng nghề.
“Hiện nay được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước nên quy trình sản xuất, công nghệ thiết bị được đầu tư cho cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng sản xuất, nhãn hiệu tập thể đang từng bước phát triển tạo thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển sản xuất”, ông Trương Ngọc Lâm chia sẻ.
Sản phẩm rượu Quán Đế của hộ sản xuất Lâm Văn Dạy đạt OCOP 3 sao |
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2020, UBND xã Xuân Bình đăng ký hồ sơ đề nghị công nhận đối với sản phẩm rượu Quán Đế của hộ sản xuất Lâm Văn Dạy và năm 2021 được UBND tỉnh Phú Yên công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Bên cạnh đó, nhằm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, năng suất, thu nhập cho hộ dân và phát triển nhãn hiệu tập thể chứng nhận “Rượu Quán Đế” tại địa phương, năm 2019, UBND xã Xuân Bình triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ máy nấu rượu bằng điện tử, tủ cơm điện, máy lọc rượu cho hộ sản xuất ông Lâm Văn Dạy, với tổng kinh phí là 156,755 triệu đồng.
Năm 2021, Trung tâm Khuyến công, xúc tiến thương mại và tiết kiệm năng lượng Phú Yên thực hiện Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất sản phẩm rượu Quán Đế gắn với hộ kinh doanh Lâm Văn Dạy (hỗ trợ máy lọc kiêm lão hóa rượu) từ nguồn kinh phí sự nghiệp khuyến công, với tổng kinh phí thực hiện 165 triệu đồng.
Ông Lâm Văn Dạy tâm huyết gắn bó với nghề nấu rượu Quán Đế |
Ông Lâm Văn Dạy ở thôn Bình Thạnh Nam, xã Xuân Bình, chia sẻ: Gia đình tôi nấu rượu đã trải qua hàng chục năm nay, từ khi được Nhà nước đầu tư máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất rượu Quán Đế, thì chất lượng rượu được nâng tầm lên rất nhiều, rượu vẫn giữ được độ thơm, ngon, nồng nàn mà tiết kiệm được thời gian, công lao động hơn so với nấu rượu bằng thủ công truyền thống.
Chủ tịch UBND xã Xuân Bình Trương Ngọc Lâm thông tin: Địa phương đã đề nghị thị xã, tỉnh hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới; quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm rượu Quán Đế với các khu dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ máy móc, công cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, phát triển sản phẩm làng nghề cho các hộ sản xuất như máy nấu rượu bằng điện, máy lọc rượu, khử độc rượu, nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây truyền sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm theo quy định hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề và mục tiêu Đề án khôi phục phát triển một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du nhập phát triển một số nghề mới gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2030.