OCOP 3 sao thúc đẩy nghề làm bánh bột lọc Thạch Sơn
Bánh bột lọc là món ăn đã có từ rất lâu đời ở xã Thạch Sơn (huyện Lâm Thao, Phú Thọ). Ngày trước, khi đời sống còn khó khănh bánh bột lọc được xem là món ăn đặc biệt chỉ được làm vào những dịp lễ, Tết. Cách làm ra món ăn cũng vô cùng cầu kỳ và được truyền qua nhiều thế hệ ở Thạch Sơn. Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, bánh bột lọc đã được sử dụng nhiều hơn trong đời sống, trở thành món ăn dân dã nhưng hấp dẫn người thưởng thức.
Để phát triển và gìn giữ món ăn truyền thống lâu đời, HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Thạch Sơn đã được thành lập nhằm mục đích đưa sản phẩm bánh bột lọc của địa phương nhân rộng ra thị trường để mọi người trong và ngoài tỉnh cùng biết đến nhiều hơn về sản phẩm nổi tiếng quê hương Phú Thọ.
Sản phẩm bánh bột lọc Thạch Sơn mang hương vị truyền thống được nhiều khách hàng yêu thích. |
Để làm ra được bánh bột lọc ngon cần hội tụ nhiều yếu tố là sự cầu kỳ, công phu, tình yêu và tâm huyết của người làm nghề thổi hồn vào những mẻ bánh. Bánh bột lọc có hai phần chính là vỏ bánh và nhân bánh, vỏ bánh được làm từ loại gạo ngon, ngâm nhiều giờ sau đó mang đi xay thành bột, sau khi xay hoà lẫn nước đã được chắt lọc từ tinh chất dầu của vỏ quả sở và ngâm tiếp nhiều giờ, khi lọc cần chú ý đợi bột lắng xuống hết rồi mới từ từ lược bỏ nước chua trên mặt cứ thế thay nước mới chắt lọc liên tục để bột được mịn trong và thơm. Sau đó cho bột vào nồi đun nóng, khuấy đều cho đến khi bột chín. Nhân bánh được làm từ thịt và mộc nhĩ băm nhỏ xào với gia vị được nêm nếm theo bí quyết riêng của người làm nghề. Cuối cùng là trích từng nắm bột nhỏ vo vào lòng bàn tay rồi ấn dẹp xuống, cho nhân bánh vào giữa rồi túm các góc của miếng bột lại thành hình tròn.
Bánh bột lọc của HTX có điểm khác biệt và dễ phân biệt nhất so với các loại bánh trên thị trường chính là màu sắc. Bánh bột lọc của HTX có màu trắng, trong vắt bởi bột được chắt lọc nhiều lần với nước được lấy từ tinh chất dầu của vỏ quả sở. Hương vị của gạo ngon hòa quyện với mùi thơm của thịt và mộc nhĩ, khi ăn sẽ cảm nhận được vị dẻo, thơm, ngậy, ngọt thanh mát tạo nên hương vị đặc trưng riêng không thể lẫn với các loại bánh khác. Đặc biệt bánh có độ dẻo dai không bị bở, khi để lâu bên ngoài vẫn giữ được độ mềm dẻo nhất định không bị khô cứng như những loại bánh trên thị trường.
Hiện nay, tổ sản xuất bánh bột lọc chủ yếu sản xuất bánh theo đơn đặt hàng, trung bình mỗi tháng sản xuất và tiêu thụ khoảng 1.700 hộp bánh (6 cái/hộp), với giá bán 25.000đ đồng/hộp, tạo việc làm thường xuyên cho 07 hộ thành viên. Để xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, HTX đang tích cực quảng bá giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử, trang mạng xã hội.
Năm 2023, bánh bột lọc của HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Thạch Sơn được đánh giá là sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Điều này giúp cho sản phẩm được quảng bá rộng rãi hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo công ăn việc làm, nâng cao kinh tế cho thành viên, đồng thời giúp lưu giữ sản phẩm cổ truyền lâu đời của địa phương. Trong thời gian tới, HTX cố gắng đưa bánh bột trở thành một trong những đặc trưng của vùng đất tổ Phú Thọ./.
Huyện Lâm Thao hiện có 22 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Để xây dựng thành công các sản phẩm OCOP, huyện Lâm Thao đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa các chính sách ưu việt đến gần hơn với người dân; thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ các đối tượng, chủ thể tham gia chương trình OCOP; mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp có điều kiện và năng lực đưa vào sản xuất các sản phẩm mới trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm, khai thác tối đa điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, nhân lực, nguyên liệu… theo nhu cầu thị trường. Để tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện Nghị quyết về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trong thời gian tới huyện tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, đăng ký bổ sung các sản phẩm lợi thế, đặc trưng của địa phương để đưa vào danh mục thẩm định, công nhận hàng năm và giai đoạn. Bên cạnh đó, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn đảm bảo kịp thời, đúng quy định; áp dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để khuyến khích các chủ thể phát triển sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương. |