Thanh hoá: Huyện Yên Định phát triển sản phẩm OCOP
![]() |
Anh Trịnh Ngọc Nhạc, Thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trước khi chưa làm OCOP thì chủ yếu tiêu thụ trong huyện, khi làm OCOP chú trọng đầu tư chất lượng, tem nhãn, nhiều người biết, từ đó nâng cao doanh thu, lợi nhuận cho cơ sở". |
Sau khi tốt nghiệp Đại học, anh Trịnh Đình Nhạc, ở thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định về quê khởi nghiệp bằng nghề làm miến gạo. Đây vốn là nghề được nhiều người dân địa phương làm nhưng chủ yếu để phục vụ cho gia đình và tiêu thụ trong xã, sản phẩm chưa được nhiều người biết đến. Quyết tâm đưa sản phẩm quê hương trở thành sản phẩm hàng hóa, anh Nhạc đã đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng và phát triển sản phẩm miến gạo Quý Lộc thành sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2021 và được công nhận lại năm 2024. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng 65 tấn miến, thu nhập hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 5 lao động trên địa bàn.
Đầu tư nuôi Yến sào tại tỉnh Bình Phước từ năm 2019, nhưng chủ yếu là bán tổ yến thô, đến năm 2023, gia đình chị Lê Thị Minh, ở thọ trấn Quán Lào, huyện Yên Định quyết định đầu tư thiết bị, máy móc để cho ra đời các sản phẩm chế biến từ yến. Đến nay, cơ sở của chị đã có 2 sản phẩm được công nhân OCOP gồm: Yến chưng nguyên vị và Yến chưng ngũ vị. Nhờ xây dựng OCOP, sản phẩm của chị Minh được nhiều người biết đến hơn.
![]() |
Chị Lê Thị Minh, Khu phố 4, Thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định cho biết thêm: “Mong muốn đưa sản phẩm nhiều người biết hơn”. |
Để khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP, cùng với thực hiện các chính sách của tỉnh, huyện Yên Định đã đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa chương trình OCOP, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tập huấn, tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm tiềm năng, sản phẩm OCOP tham gia hoạt động trưng bày, quảng bá giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Bên cạnh việc khai thác giá trị văn hóa bản địa, thế mạnh địa phương để phát triển sản phẩm OCOP tại các làng nghề, làng nghề nghề truyền thống, nhiều chủ thể đã phát triển thành công các sản phẩm mới. Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu. Hiệu quả kinh tế của các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng từ 15 - 20% so với trước đó. Đồng thời, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
![]() |
Bà Lê Thị Luyện, Thôn Yên Thôn, xã Định Tiến, huyện Yên Định chia sẻ: "Tôi làm ở đây vẫn làm được ruộng, làm thêm cả ngày thì được hơn 200 nghìn, kinh tế ổn định". |
Tính đến tháng 3/2025, huyện Yên Định có 41 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Thông qua xây dựng sản phẩm OCOP, không chỉ giúp địa phương khai thác tốt tài nguyên, mà còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động trên địa bàn.
Tin mới hơn
Tin khác













