Tương làng Bợ - Sản phẩm OCOP 4 sao nức tiếng gần xa
“Nhất Kinh kỳ, nhì Bợ Bạt” là câu ca truyền miệng nói về làng Bợ với nghề làm tương đặc biệt. Nơi đây có loại tương để lâu càng đỏ, càng thơm ngon. Nghề làm tương ở làng Bợ đã có từ lâu đời nhưng phải đến năm 2011 nghề làm tương làng Bợ mới được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là làng nghề truyền thống. Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, tương làng Bợ cũng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn do kinh tế thị trường, sự thay đổi về cách ăn uống và chế biến món ăn của người tiêu dùng. Không những vậy, do thu nhập không ổn định nên nghề làm tương thiếu lao động, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Sản phẩm của làng nghề chưa phong phú, chất lượng sản phẩm giữa các hộ chưa đồng đều, khả năng cạnh tranh còn nhiều hạn chế…
Chị Trần Thị Phượng - Giám đốc HTX Tương làng Bợ kiểm tra chất lượng của sản phẩm tương. |
Đứng trước nguy cơ mai một nghề truyền thống thống, năm 2020, HTX Tương làng Bợ đã được thành lập nhằm khuyến khích người dân gìn giữ nghề truyền thống cũng như đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế. Ngay sau khi thành lập, HTX cùng với chính quyền địa phương kiểm tra, hướng dẫn các hộ hoàn tất các thủ tục pháp lý trong sản xuất kinh doanh và đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho 2 cơ sở sản xuất chính của làng nghề là cơ sở Phượng Hiệp, Triệu Xoan; xây dựng nhãn hiệu tập thể; sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.
HTX Tương làng Bợ đã tích cực trong việc tuyên truyền, vận động các thành viên thay đổi tư duy, tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương. Đồng thời tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Tương làng Bợ không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn được người dân cải thiện mẫu mã để tham gia nhiều hội chợ, triển lãm làng nghề trong và ngoài tỉnh. |
Sau 3 năm xây dựng và phát triển, năm 2023, sản phẩm Tương làng Bợ đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Đây là một thành công lớn của HTX Tương làng Bợ, có ý nghĩa khẳng định chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội cho nghề truyền thống mở rộng thị trường, nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Coi trọng phát triển sản phẩm chất lượng
Chia sẻ về cách làm tương, Giám đốc HTX Tương làng Bợ Trần Thị Phượng cho biết, thành phần chính của tương gồm có gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối. Người dân sẽ tập trung làm tương vào tháng 4 đến tháng 10 hàng năm . Gạo phải chọn lọc loại gạo thật ngon về sôi chín, để nguội rồi đem dãi nong cho thật tơi. Ủ gạo đến khi nong gạo lên mốc thì úp 2 nong vào nhau và ủ trong 1 tuần mới dồn tất cả vào thùng xốp, ủ tiếp trong 1 đến 2 ngày. Sau khi sạo ủ trong thùng xốp từ 1 đến 2 ngày thì chuyển gạo ra chum trộn cùng đỗ. Đỗ mua về đãi sạch được rang thơm chín rồi say nhuyễn thêm nước sôi để nguội ủ trong 10 ngày rồi mới cho trộn cùng gạo trong chum. Tương cho vào chum phơi nắng ít nhất 20 ngày mới sử dụng được (tương càng ủ được lâu càng ngon).
Tương làng Bợ có nhiều sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. |
Hiện tại, bình quân mỗi năm HTX Tương làng Bợ đưa ra thị trường 25.000 - 30.000 lít tương, giá bán tương loại bình dân khoảng 20.000 - 30.000 đồng/lít, loại đặc sản 100.000 đồng/lít tùy theo nhu cầu của khách hàng. Sau khi trừ chi phí thì mỗi thành viên có thu nhập khoảng từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Các thành viên HTX luôn ý thức rằng, muốn sản phẩm có giá trị thì phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là điều kiện để sản phẩm phát triển bền vững.
Để tiếp tục phát triển sản phẩm Tương làng Bợ, trong thời gian tới HTX sẽ tiếp tục tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, chủ động tăng cường liên kết, gắn kết các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ để mở rộng thị trường. Tích cực tham gia những chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ giới thiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh thương hiệu, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ; cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, đáp ứng nhiều phân khúc khách hàng.
Tương làng Bợ được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ và được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. |
Có thể nói, nghề làm tương đã mang lại hiệu quả cả về mặt kinh tế và mặt xã hội cho địa phương, từ nguyên liệu có sẵn và kinh
nghiệm làm nghề của người dân đã tạo ra các sản phẩm truyền thống, có tính thương mại, dịch vụ, phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh. Để nghề truyền thống này thực sự phát triển, phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, UBND xã Thạch Đồng chủ trương dành nhiều nguồn lực cho phát triển làng nghề, nhân rộng các mô hình, điển hình, chỉ đạo các hộ sản xuất nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu sản phẩm, đảm bảo tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm, tích cực tìm kiếm thị trường khẳng định giá trị sản phẩm tương làng Bợ.