Xây dựng sản phẩm OCOP từ mô hình nuôi ong lấy mật
Nguồn lực để xây dựng sản phẩm OCOP
Tại HTX DV NLN Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn), hiện HTX đang duy trì nuôi khoảng 2.000 đàn ong mật, cho thu hoạch được khoảng 20.000 lít mật ong/năm. Giá bán trung bình của sản phẩm mật ong của HTX dao động từ 150.000 - 300.000 đồng/lít, tùy từng thời điểm và từng loại mật hoa.
Là một trong những hộ có hơn 40 năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật, ông Đinh Trọng Tâm - Giám đốc HTX DV NLN Mỹ Thuận chia sẻ: ”Nuôi ong lấy mật là một hình thức khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và tăng thu nhập cho người nông dân. Để phát triển đàn ong, người nuôi chỉ cần đầu tư mua giống tốt lúc ban đầu, sau đó có thể tự tách ong chúa sang tổ khác để tăng đàn. Nhờ đặc tính cho mật ong quanh năm nên kể cả đối với những đàn ong chỉ mới tách tổ được khoảng 20 ngày là đã có thể cho thu hoạch mật”.
Mật ong Mỹ Thuận là sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao. |
HTX không chỉ đầu tư chăm sóc để mật ong đạt chất lượng tốt nhất mà HTX cũng rất chú trọng quan tâm hoàn thiện bao bì, nhãn mác, truy suất nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng sản phẩm mật ong của HTX. Hiện sản phẩm mật ong của HTX được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, HTX cũng còn nhiều khó khăn như thị trường tiêu thụ mật ong, HTX chủ yếu bán cho thương lái với giá thấp và không ổn định. Vào mùa khô hạn, nhiều loại cây không ra hoa hoặc ra ít hoa, đàn ong không có đủ nguồn thức ăn thì HTX và phải di chuyển lên Sơn La, Đắc Lắk, chi phí di chuyển rất cao. Ngoài ra để đảm bảo chất lượng mật và phòng tránh việc đàn ong bị chết do ăn phải mật hoa của các loại cây có hóa chất, HTX phải thực hiện kiểm tra, theo dõi và ký hợp đồng với nhà vườn trước khi di chuyển đàn ong.
Định hướng phát triển kinh tế hiệu quả
Còn ở huyện Thanh Sơn, HTX DV NLN - chăn nuôi ong Mật xã Tinh Nhuệ, HTX hiện chỉ có 400 đàn ong nhưng đây là một điểm sáng về mô hình HTX vượt khó. HTX hỗ trợ thành viên vươn lên làm giàu, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, với thu nhập trung bình 10 - 15 triệu đồng/tháng. Để đảm bảo chất lượng, bảo quản mật ong được tốt HTX đã đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản sản phẩm, máy hạ thủy phần giúp loại bỏ lượng nước, tạp chất (xác ong, cặn bẩn), bọt khí ga có trong mật ong, đồng thời giúp mật ong không bị lên men chua hoặc biến đổi thành hoạt chất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm mật ong của HTX có đầu ra ổn định, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá là sản phẩm có chất lượng cao.
Ngoài việc khai thác lấy mật ong, với nhiều năm kinh nghiệm nuôi ong, thành viên HTX tự tạo được ong chúa để nhân giống với tỷ lệ đạt từ 85% – 90%. Hàng năm HTX đạt hơn 500 triệu đồng doanh thu từ dịch vụ cung cấp ong giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Người dân nuôi ong lấy mật để cải thiện thu nhập và đóng góp cho kinh tế địa phương. |
Theo Cục thống kê năm 2022, sản lượng mật ong toàn tỉnh đạt 561.000 kg, tăng 39.000 kg so với năm 2021. Để hỗ trợ các HTX và người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật, các ban, ngành, đoàn thể cần quan tâm, hỗ trợ vốn, tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi ong, chăm sóc và phòng trị bệnh cho ong, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho HTX, người dân. Cần có những giải pháp xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm mật ong Phú Thọ để tăng giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tạo mối liên kết với thị trường tiêu thụ để có đầu ra ổn định, giá thành cao.
Qua đó từng bước phát huy hiệu quả nghề nuôi ong lấy mật, tạo thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời, nuôi ong lấy mật còn có tác dụng tốt trong bảo vệ môi trường, duy trì sự cân bằng sinh thái, tăng năng suất và chất lượng của các loại cây trồng thông qua quá trình thụ phấn của ong./.