Yến sào Gia Lai - Sản phẩm đang phát triển
Sản phẩm Yến sào Yến Hương |
Là tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, môi trường sống thuận lợi, Gia Lai từ lâu trở thành vùng đất tiềm năng của các nhà đầu tư, người làm nghề nuôi yến lấy tổ. Bên cạnh đó, tỉnh còn có sự phong phú, đa dạng về côn trùng và thực vật giúp tạo nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, đa dạng để chim yến phát triển khỏe mạnh, sản xuất tổ yến đạt chuẩn. Ngoài ra, một lợi thế khác của Gia Lai là ít nguy cơ mất an ninh và bất ổn, đảm bảo môi trường an toàn cho việc nuôi chim yến. Điều này đặc biệt quan trọng giúp hoạt động nuôi chim yến diễn ra ổn định, bền vững.
Nhận thấy những tiềm năng phát triển nuôi trồng cũng như lợi ích tuyệt vời mà tổ yến mang lại, chị Trần Thị Nhượng, đại diện Hộ kinh doanh Yến sào Yến Hương (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, tiến hành nghiên cứu, khám phá và cho ra đời sản phẩm “Yến sào Yến Hương”. Thành lập từ đầu năm 2021, đơn vị là một trong những chủ thể chuyên cung cấp sản phẩm yến sào tinh chế nguyên chất 100% đạt chất lượng cao tại địa phương. Năm 2022, sản phẩm “Yến sào Yến Hương” được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh như một minh chứng về chất lượng và uy tín của đơn vị.
Sản phẩm yến sào được tinh chế nguyên chất 100% |
Không chỉ nhận đánh giá tích cực về sự tinh khiết, thơm ngon từ các ban ngành địa phương, thương hiệu Yến sào Yến Hương còn được khách hàng tin dùng, chọn lựa nhờ không sử dụng chất tẩy rửa, chất phụ gia trong quá trình chế biến. Đồng thời, đơn vị cũng sử dụng nguồn nước sạch đã qua kiểm nghiệm dùng trong sản xuất giúp sản phẩm sau khi chế biến có thể giữ trọn thành phần dinh dưỡng cùng màu sắc nguyên bản.
Chị Trần Thị Nhượng cùng sản phẩm Yến sào Yến Hương |
“Yến sào Yến Hương ra đời không chỉ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân mà còn giúp phát triển kinh tế, đời sống và việc làm cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững và phát huy, bảo tồn các bản sắc văn hóa tại địa phương” - Chị Nhường chia sẻ.
Tỉnh Gia Lai có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhưng lại đối mặt với một số thách thức xoay quanh việc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo thu nhập, an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, đồng bào nơi đây thường gặp những vấn đề như thiếu hụt nguồn thu nhập ổn định, hạn chế trong việc tiếp cận giáo dục, thiếu cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật và vốn phát triển nông nghiệp. Thấu hiểu khó khăn của người dân, dù quy mô sản xuất còn hạn chế song Hộ kinh doanh Yến sào Yến Hương vẫn ưu tiên thuê công nhân địa phương nhằm tạo thêm việc làm, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp và cải thiện thu nhập cho bà con.
Các công nhân làm việc tại cơ sở |
Ngoài ra, đơn vị cũng tiến hành thu mua tổ yến từ các hộ nuôi yến trên địa bàn, giúp người làm nghề đảm bảo đầu ra, ổn định kinh tế, trang trải sinh hoạt gia đình. Từ đó, giúp đồng bào dân tộc thiểu số bồi dưỡng kiến thức, nâng cao hiểu biết, tiếp cận các nguồn tài nguyên cần thiết, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, nước sạch và chăm sóc sức khỏe. Góp phần hỗ trợ người dân giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn trợ cấp và quỹ hỗ trợ xã hội, thể hiện vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng hành cùng địa phương cải thiện, nâng cao mức sống người dân theo phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Trong thời gian tới, Hộ kinh doanh Yến sào Yến Hương có kế hoạch hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho người dân tham gia mô hình khởi nghiệp; đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua Chương trình Khuyến nông, Xúc tiến Thương mại, hội chợ, triển lãm, đầu tư,… Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiếp tục triển khai nhiều kế hoạch đưa sản phẩm lên các nền tảng mạng xã hội và trang thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP một cách bền vững.