Bạc Liêu: Phấn đấu có thêm 20 sản phẩm OCOP năm 2024
Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Bạc Liêu đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Địa phương này hiện có 131 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó, có 34 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 97 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.
Theo đánh giá của ngành chức năng, các sản phẩm hàng hóa chất lượng, có lợi thế ở địa phương ngày càng được nâng cao giá trị và có thị trường tiêu thụ ổn định hơn; trong đó, nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường các nước. Thông qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Thời gian qua, cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối, quảng bá, chắp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa.
Các sản phẩm nông sản, đặc sản trên địa bàn tỉnh được công nhận sản phẩm OCOP, có khả năng mở rộng thị trường, mở rộng quy mô sản xuất cao hơn hẳn. Ngoài những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP lại được hỗ trợ trưng bày, quảng bá, nên càng được nhiều người biết đến. Theo cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, qua thống kê cho thấy sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, lượng hàng hóa tiêu thụ gia tăng bình quân từ 10-20% so với trước khi được công nhận là sản phẩm OCOP. Hiện tỉnh Bạc Liêu cũng đã đưa tiêu chí xây dựng sản phẩm OCOP vào việc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2024, tỉnh sẽ hỗ trợ các chủ thể đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mở rộng hoạt động sản xuất...
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh thực tế nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn chưa thể hiện rõ nét đặc sắc gắn liền với đặc trưng của địa phương; đa số sản phẩm sản xuất theo phương thức thủ công nên chất lượng, quy cách mẫu mã vẫn còn hạn chế; tính phong phú, đa dạng chưa cao, mà phần lớn tập trung khai thác ở lĩnh vực chế biến thủy hải sản… Nhiều sản phẩm OCOP chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường, trong khi nhu cầu của người dân và du khách là rất lớn.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở một số địa phương trong thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao, chính quyền ở một số địa phương còn chậm, chưa xác định rõ được vai trò và vị trí của Chương trình OCOP, dẫn đến quá trình triển khai thiếu sự quan tâm, chỉ đạo; nhận thức của cán bộ, đảng viên về thực hiện Chương trình OCOP còn có hạn chế nên công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ thể tham gia chưa hiệu quả.
Trong năm 2024, Bạc Liêu phấn đấu có thêm 20 sản phẩm mới được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Để hoàn thành mục tiêu này, năm 2024 tỉnh sẽ hỗ trợ các chủ thể đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mở rộng hoạt động sản xuất, áp dụng quy trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ các chủ thể kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm cũng như xây dựng câu chuyện sản phẩm…Cùng với đó là tăng cường đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP. Trong đó, tập trung trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, thực hiện quản lý mã vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu của thị trường.
Đối với hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tỉnh sẽ tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế. Đặc biệt là xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu. Đẩy mạnh liên kết với các sàn thương mại điện tử các tỉnh, thành phố để tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, xây dựng chương trình, tìm kiếm và tham gia các hoạt động xúc tiến tại các thị trường tiềm năng nước ngoài, từng bước mở rộng xuất khẩu để giúp sản phẩm OCOP có điều kiện vươn xa.
Đối với hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tỉnh sẽ tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế.
Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, đơn vị đã đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị và xây dựng biển hiệu 5 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các huyện thị xã, thành phố. Đồng thời xây dựng tài liệu “Cẩm nang giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu, ngôn ngữ Việt - Anh”; số hóa tạo mã QR sản phẩm OCOP; lập trình sách điện tử; xây dựng video clip giới thiệu các sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu...Việc hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại đã mang lại những thành công nhất định. Các sản phẩm OCOP ngày càng được quảng bá rộng rãi, hệ thống tiêu thụ được mở rộng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các cơ sở, doanh nghiệp còn có cơ hội gặp gỡ trao đổi và ký kết được nhiều hợp đồng với đối tác, khách hàng từ các hội chợ, hội nghị kết nối giao thương, cung - cầu hàng hóa.
Thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và chuyển đổi tư duy cho cán bộ quản lý và các chủ thể OCOP về kỹ năng về tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn - mẫu mã sản phẩm và sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP. Tiếp đó, quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP phù hợp với từng địa phương, phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu; xây dựng được mã số vùng trồng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm, duy trì cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát và quản lý sản phẩm OCOP, đẩy mạnh quá trình số hóa, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu để hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.