Dấu ấn các nữ doanh nhân trong chương trình OCOP
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố kết quả đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP. Tính đến tháng 7/2023, cả nước đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng công bố quyết định và trao giấy chứng nhận cho 22 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao của 12 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố trải dài từ Bắc chí Nam, với sự góp mặt của nhiều gương mặt nữ doanh nhân tiêu biểu. Phụ nữ tham gia chương trình OCOP không chỉ với tư cách chủ thể vận động, tuyên truyền mà còn là chủ thể tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP và là chủ thể quan trọng quyết định lựa chọn tiêu dùng sản phẩm OCOP trong gia đình.
Nằm trong số những sản phẩm được chứng nhận 5 sao OCOP vào ngày 17/7, sản phẩm “Chăn bông tơ tằm tự dệt” là tâm huyết của nghệ nhân Phan Thị Thuận (Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, huyện Mỹ Đức, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội). Ý tưởng này đã được nghệ nhân Phan Thị Thuận ấp ủ trong nhiều năm, với mong muốn sáng tạo ra một sản phẩm chăn bông được dệt hoàn toàn từ những con tằm mà không một quy trình sản xuất công nghiệp hay bàn tay nào của con người có thể thay thế. Điểm mấu chốt của sản phẩm là việc tính toán và sắp xếp vị trí cho những con tằm tự dệt tơ. Sản phẩm gây ấn tượng bởi quy trình sản xuất độc đáo, kỳ công, sáng tạo và chất lượng của những chiếc chăn bông có độ tơi xốp tự nhiên, nhẹ và ấm áp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao sản phẩm này và hi vọng nghệ nhân có thể nhân rộng kỹ thuật sản xuất này đến người dân các địa phương khác trên cả nước.
Có tên trong danh sách 22 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia năm 2022 là hai sản phẩm “Mật hoa dừa” và “Đường hoa dừa” của chị Thạch Thị Chal Thi (Công ty TNHH Trà Vinh Farm). Xuất phát từ mong muốn tăng giá trị cho cây dừa, cô gái Khmer Trà Vinh Thạch Thị Chal Thi quyết định khởi nghiệp với sản phẩm mật hoa dừa. Mật hoa dừa là sản phẩm được cô đặc từ tinh chất thu được từ hoa dừa, có vị ngọt thuận tự nhiên và là một trong những chất tạo ngọt bền vững nhất thế giới (được công nhận bởi tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc FAO vào năm 2013). Nữ doanh nhân người Khmer mong muốn tạo nên một nền nông nghiệp hạnh phúc, nâng cao giá trị kinh tế với ngành nghề phát triển bền vững, cải thiện sinh kế cho nông hộ trồng dừa tại Trà Vinh và tạo ra chuỗi sản phẩm đem đến sức khỏe cho người tiêu dùng.
Trước đó, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) của nghệ nhân Hà Thị Vinh cũng đã có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia, bao gồm: “Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ”, “Bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen”, “Bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng” và “Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen”. Những sản phẩm này được lấy cảm hứng từ loài hoa sen đại biểu cho văn hoá Việt Nam cùng hoạ tiết rồng phượng và chim én gợi nhắc đến những giá trị truyền thống. Nhiều sản phẩm của gốm sứ Quang Vinh được xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Nhật Bản, giúp quảng bá gốm sứ Việt Nam ra ngoài thế giới.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế, đặc biệt ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ. Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là hợp tác xã, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, 24,4% là doanh nghiệp, còn lại là tổ hợp tác. Trong đó, tỉ lệ chủ thể OCOP là nữ giữ ở mức ổn định với khoảng 40%. Đặc biệt, ở khu vực miền núi, tỉ lệ chủ thể OCOP là nữ rất cao, lên đến 50,6% ở miền núi Bắc Trung Bộ, 45,2% ở khu vực Tây Nguyên và 43,4% ở miền núi phía Bắc.
Những kết quả trên cho thấy sự tham gia tích cực và hiệu quả của đông đảo chị em phụ nữ trong trong 5 năm triển khai Chương trình OCOP. Nhiều nữ doanh nhân, nữ nghệ nhân đã có những đóng góp quan trọng và thiết thực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và truyền cảm hứng sáng tạo để phát triển sản phẩm OCOP ở các địa phương. Ngày càng xuất hiện nhiều điển hình phụ nữ lãnh đạo các doanh nghiệp, các hợp tác xã với trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, trang bị đầy đủ về kiến thức, kỹ năng, nhanh nhạy trong việc bắt kịp các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong sản xuất để khởi nghiệp làm giàu từ chính tài nguyên và sản vật quê hương. Bằng trí tuệ và tinh thần cống hiến, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, phụ nữ đã cho thấy vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đồng thời quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa và tài nguyên bản địa trong phát triển kinh tế.
Bài viết có sự phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội