Đồng tháp: Đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng
Đồng Tháp là địa phương đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản phẩm OCOP |
Hiện nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường và được các đối tác đánh giá cao bởi các sản phẩm OCOP đã đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Trong kế hoạch xúc tiến thương mại du lịch và đầu tư năm nay, Đồng Tháp xác định sẽ đưa các sản phẩm OCOP vào kinh doanh trực tuyến và xây dựng chuỗi liên kết theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Bên cạnh đó sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng. Ngoài ra, Đồng Tháp sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số.
Đồng Tháp là địa phương đặc biệt quan tâm kết nối với các doanh nghiệp, các bạn trẻ khởi nghiệp để hỗ trợ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản và các sản phẩm OCOP. Hiện nay, Đồng Tháp đã có trên 450 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao, 4 sao, 5 sao, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ ba cả nước, khẳng định sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy sản xuất của người dân.
Nhìn nhận về vấn đề đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT cho rằng, hiện nay phát triển thương mại điện tử tại nhiều địa phương còn hạn chế, nhiều chủ thể OCOP vẫn gặp khó trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vì thế trong thời điểm hiện nay các địa phương cần xác định lấy chuyển đổi số làm giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy, phát triển sản phẩm OCOP, mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Chuyển đổi số là xu hướng chung cho tất cả các sản phẩm, trong đó các sản phẩm OCOP cũng không nằm ngoài xu hướng đó và chuyển đổi số tiếp tục là một trong những nội dung quan trọng của chương trình phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Ông Hoàng Vũ Quang nhấn mạnh: “Các kênh thương mại điện tử đã góp phần thiết thực vào trong việc quảng bá, giới thiệu, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm OCOP và tạo thương hiệu cho các sản phẩm OCOP được tiêu thụ. Bên cạnh đó nhiều chủ thể OCOP, các tổ chức, đơn vị đã tích cực hỗ trợ cho sản phẩm OCOP tham gia vào các sàn thương mại điện tử”.
Theo các chuyên gia, ngoài các kênh tiêu thụ truyền thống như cửa hàng, siêu thị thì các kênh thương mại điện tử đã góp phần quan trọng hỗ trợ cho sản phẩm OCOP tiếp cận với người tiêu dùng dễ dàng và hiệu quả.