Hành trình mang tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây thành sản phẩm OCOP 3 sao
Khởi nghiệp từ nông sản địa phương
Chị Võ Thị Thu Hằng tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tới khách hàng trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh. |
Tốt nghiệp cử nhân tại một trường đại học ở Hà Nội, làm nhiều công việc khác nhưng chị Võ Thị Thu Hằng (39 tuổi) đến với nghề sản xuất sản phẩm nông nghiệp một cách tình cờ, chị chưa từng nghĩ rằng mình có thể quay về quê hương để lập nghiệp thành công như hiện tại. Từ năm 2013, chị Hằng bắt đầu mày mò vào ngành sản xuất, chị dày công tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm thành công tạo ra sản phẩm tinh bột nghệ. Tuy nhiên, giai đoạn này chị còn làm chủ yếu theo phương pháp thủ công, sản xuất nhỏ lẻ. Đến năm 2018, nhận thấy cơ hội phát triển từ thị trường, gia đình chị Hằng quyết định đầu tư máy móc chuyên để sản xuất tinh bột nghệ. Năm 2022, chị đầu tư hơn 300 triệu đồng để mở rộng nhà xưởng, mua sắm thêm các loại máy móc như: máy xay mịn, máy xay ép liên hoàn, máy đóng góp, dập ép liên hoàn để nâng tầm sản phẩm.
Chia sẻ về quá trình sản xuất tinh bột, chị Võ Thị Thu Hằng cho biết: “Để tạo ra một sản phẩm đạt chất lượng, chúng tôi chú trọng chọn lọc nguyên liệu đầu vào là những loại củ chất lượng tốt, sau đó là tuân thủ đúng quy trình sản xuất đã đề ra. Ngoài ra, cơ sở cũng đầu tư bao bì chất lượng, mẫu mã bắt mắt để thu hút khách hàng, đáp ứng tiêu chí để phân phối tới các địa điểm bán hàng uy tín. Nhờ vậy, năm 2023, sản phẩm tinh bột nghệ đã được huyện Hương Sơn công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là động lực to lớn để chúng tôi hoàn thiện hơn nữa và phát triển thêm tinh bột sắn dây.”
Tinh bột sắn dây, tinh bột nghệ của cơ sở Thu Hằng đều đạt chất lượng OCOP 3 sao. |
Tương tự như tinh bột nghệ, việc sản xuất tinh bột sắn dây giúp gia đình chị Hằng tận dụng được nguyên liệu đầu vào sẵn có ở huyện Hương Sơn và một số huyện lân cận. Việc thu mua nông sản tại địa phương giúp chị Hằng giảm chi phí đầu vào đồng thời giúp bà con nông dân bán được lượng nông sản lớn với giá cả ổn định.
Mặc dù có kinh nghiệm sản xuất từ trước nhưng khi phát triển thêm một sản phẩm mới, chị Hằng cũng không tránh khỏi nhiều điều bỡ ngỡ. Cơ sở phải đầu tư thêm 100 triệu đồng để mua sắm nhiều thiết bị riêng cho tinh bột sắn dây. Một sản phẩm hoàn thiện mất đến 2 tuần vừa sơ chế, chế biến và đóng gói. Quá trình này đòi hỏi mỗi công đoạn phải được làm việc kỹ lưỡng thì mới cho ra thành phẩm đạt yêu cầu.
Bí quyết sản xuất tinh bột đảm bảo chất lượng
Đối với sắn dây, nguyên liệu được chọn là những củ to, vỏ sần, chế biến sau một tuần thu hoạch. Sắn dây sẽ được cơ chế sạch và cắt nhỏ 3-5cm rồi cho vào máy liên hoàn để xay cùng với nước. Thành phẩm này sẽ được bỏ vào thùng nhựa để bột lắng xuống đáy trong khoảng thời gian 10 – 12 tiếng. Bột nước sắn dây sau được được lọc đi lọc lại qua màng mỏng hơn 20 lần để loại tạp chất sẽ cho ra loại bột trắng sáng có mùi thơm đặc trưng vốn có của sắn dây. Sau khi lọc ra được bột sắn ưng ý, sẽ đem vào phòng lạnh nhiệt độ khoảng 18 - 20 độ C sấy liên tục trong khoảng thời gian 4-5 ngày đến khi khô cứng. Cuối cùng là đóng gói và dán nhãn mác để mang tới khách hàng.
Còn đối với tinh bột nghệ, tương tự với sắn dây sẽ phải chọn lọc kỹ lưỡng từng củ nghệ tươi, sơ chế sạch qua nhiều lần rồi mới đưa vào máy xay và lọc bỏ các tạp chất, chắt lọc lấy tinh bột nghệ. Tiếp tục đưa vào phòng sấy lạnh để tinh bột khô từ từ, giữ được dinh dưỡng, hương vị đặc trưng và có thể giữ sản phẩm lâu dài mà không cần các phụ gia bảo quản.
Công nhân của cơ sở Thu Hằng đang đóng gói tinh bột sắn dây để phân phối tới các nhà cung cấp và khách hàng. |
Được biết, hiện nay trung bình mỗi tháng, cơ sở Thu Hằng sản xuất khoảng 250kg tinh bột nghệ từ 5000kg nghệ tươi, 200kg tinh bột sắn nguyên chất từ 1.200kg sắn tươi. Giá bán tinh bột nghệ khoảng 400.000 đồng/kg và tinh bột sắn sắn dây là 250.000 đồng/kg, giá cả khá cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường trong khi chất lượng đều đảm bảo an toàn, lành tính, không chất bảo quản, có chứng nhận OCOP 3 sao. Với đầu ra ổn định, cơ sở của chị Hằng tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 5-7 người tại địa phương với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Chủ tịch UBND xã Sơn Trà Lê Văn Bằng cho biết, sản phẩm tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây của cơ sở Thu Hằng là sản phẩm OCOP nổi bật trên địa bàn huyện Hương Sơn. Sản phẩm đạt chất lượng tốt với quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là động lực để các chủ thể ở địa phương học tập để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, vừa mang lại nguồn thu nhập vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động./.