Nâng tầm thương hiệu “Cua Trà Vinh” khi có nhãn hiệu chứng nhận
Tỉnh đã xác định vùng phát triển kinh tế biển gồm khu vực ven biển các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, đặc biệt là thị xã Duyên Hải với các giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cạnh tranh. Một trong số những sản phẩm thủy sản phát triển tại các địa phương này là cua biển.
Cua Trà Vinh mang lại giá trị kinh tế cao
Thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn và có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Không chỉ tiêu thụ trong nước, các sản phẩm như tôm, cua, cá, mực, bạch tuộc còn được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, thị trường EU…, trong đó cua là một trong những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, tập trung nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.
Cua Trà Vinh đang ngày càng khẳng định năng suất, chất lượng và vị thế sản phẩm thị trường trong nước, vươn tới thị trường xuất khẩu |
Vì vậy, cua chính là sản phẩm được xem như hướng đi mới của tỉnh Trà Vinh trong nhiều năm qua, đó là, nuôi thủy sản (tôm, cua) xen canh với các loại cây trồng khác (lúa, dừa,...). Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi và kinh nghiệm, tập quán nuôi cua biển của người dân nơi đây đang là lợi thế để có được sản phẩm có nhiều lợi thế cạnh tranh, nhất là hướng đến có được thương hiệu cho sản phẩm cua biển của tỉnh Trà Vinh.
Tổng diện tích thả nuôi cua của Trà Vinh đạt khoảng 23.700 ha (theo Báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của tỉnh Trà Vinh). Giá bán cua gạch Trà Vinh hiện nay khoảng 600.000-650.000 đồng/kg, cua thịt loại (1-2 con/kg) giá từ 450.000 đồng/kg trở lên, hiện nay cua biển thường được nuôi 2-3 vụ/năm.
Trà Vinh có nhiều thế mạnh để trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh. Cua biển lại là sản phẩm đem lại giá trị kinh tế. Tuy nhiên khi tiêu thụ sản phẩm ra thị trường thì sản phẩm hầu như không có thương hiệu, đặc biệt là các dấu hiệu gắn với nguồn gốc của sản phẩm; chính vì vậy, giá bán của sản phẩm cua biển chưa tương xứng mới giá trị mà sản phẩm này mang lại. Khi sản phẩm phụ thuộc thị trường, chưa có thương hiệu, người nuôi cua gặp khó khăn. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong ngành thủy sản còn ít, khiêm tốn về tài chính, nhân lực marketing mức trung bình, chưa thể hiện nổi trội khiến việc xây dựng thương hiệu gặp nhiều khó khăn.
Việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu cho sản phẩm cua biển của tỉnh Trà Vinh là một yêu cầu cấp thiết cần phải triển khai thực hiện. Vì vậy, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành nhiều quyết định đúng đắn, kịp thời, toàn diện từ góc độ kinh tế - xã hội đến góc độ khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ. Và một trong các biện pháp đó là xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chứng nhận “Cua Trà Vinh”.
Xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Cua Trà Vinh
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu (Khoản 18 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Tại Việt Nam, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chứng nhận được xác lập trên cơ sở quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu khi đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định.
Mẫu logo NHCN “Cua Trà Vinh” nộp Cục Sở hữu trí tuệ ngày 28/7/2023 với số đon 4-2023-33170 |
Xuất phát từ điều kiện tự nhiên và tập quán sản xuất, Việt Nam có rất nhiều các sản phẩm, dịch vụ mang yếu tố đặc thù của địa phương. Nhận thức được lợi ích to lớn của việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đối với chủ sở hữu và các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận cũng như lợi ích to lớn cho người sử dụng, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách và các biện pháp cần thiết đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận.
Các địa phương cũng nhận thấy được tầm quan trọng của nhãn hiệu chứng nhận do đó trong những năm gần đây, số lượng nhãn hiệu chứng nhận được đăng ký bảo hộ đã tăng lên nhanh chóng. Với ưu thế của nhãn hiệu chứng nhận là chủ sở hữu không được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trên sản phẩm của mình và phần lớn nhãn hiệu chứng nhận ở Việt Nam có sự tham gia quản lý của cơ quan Nhà nước (UBND hoặc các sở, ban, ngành) dưới góc độ là chủ sở hữu hoặc cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận, việc xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Cua Trà Vinh sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, đảm bảo góp phần thúc đẩy việc khai thác thương mại sản phẩm một cách đồng bộ, nâng cao uy tín và danh tiếng của sản phẩm.
Ngày 21/04/2022, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 750/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ năm 2022. Trong đó, đề cập đến kế hoạch lựa chọn nhà thầu hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Trà Vinh” cho sản phẩm Cua biển của tỉnh Trà Vinh. Đến ngày 06 tháng 12 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 2342/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ Đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Trà Vinh” cho sản phẩm Cua biển của tỉnh Trà Vinh. Nhiệm vụ được thực hiện với sự quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với chính quyền địa phương. Công ty TNHH Nghiên cứu và đầu tư S&D là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở sự phối hợp giữa Công ty TNHH Nghiên cứu và Đầu tư S&D và các đơn vị có liên quan tại địa phương.
Việc bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Cua Trà Vinh góp phần thực hiện chính sách của Nhà nước về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phù hợp với chính sách và định hướng của tỉnh Trà Vinh về việc chú trọng phát triển các sản phẩm đặc thù có lợi thế cạnh tranh gắn liền với việc phát triển các tài sản trí tuệ của địa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này cũng như người tiêu dùng và các lợi ích kinh tế - xã hội khác.
Đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Cua Trà Vinh" đã được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ ngày 28/7/2023 với số đơn là 4-2023-33170 và được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định chấp nhận đơn số 62680/QĐ-SHTT ngày 21/8/2023.
Để xây dựng được thương hiệu ổn định và bền vững mang nhãn hiệu “Cua Trà Vinh”, đòi hỏi doanh nghiệp, người nuôi cua cần chuẩn bị phương án lâu dài: vùng nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận (do doanh nghiệp tự nuôi hay liên kết các trang trại, hộ nuôi) đạt chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có xác nhận nguồn gốc, đạt được các chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, ASC...
Trong thực hiện chia sẻ trách nhiệm khi sử dụng thương hiệu “Cua Trà Vinh”, đối với các doanh nghiệp, người nuôi phải tuân thủ đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, phải có trách nhiệm xã hội, phải quan tâm xây dựng, thực hành sản xuất tốt, thân thiện môi trường để phát triển bền vững… Tất cả phải được thực hiện, đánh giá, chứng nhận nhằm từng bước khẳng định tính ưu thế sản phẩm như: an toàn, bổ dưỡng, truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao sức thuyết phục khách hàng, người tiêu dùng và nâng tầm thương hiệu “Cua Trà Vinh” theo định hướng mà tỉnh xây dựng./