Thái Nguyên: Điểm sáng xây dựng sản phẩm OCOP
Sản phẩm Trà đinh Đạt Phát của Hợp tác xã chè sạch Đạt Phát (ở xã Vô Tranh, Phú Lương) được chứng nhận OCOP 4 sao. |
HTX chè an toàn Hoan Xuyến tiền thân là Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Trung Thành 2. Năm 2021, HTX được thành lập với 7 thành viên và hiện có 38 hộ liên kết với vùng nguyên liệu rộng 15ha chè VietGAP, trong đó gần 90% diện tích đang chuyển đổi sang hướng hữu cơ.
Lấy các sản phẩm từ cây chè làm chủ đạo, HTX đã xây dựng 7 dòng sản phẩm, trong đó 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao (Chè xanh Hoan Xuyến) và 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao (Nõn tâm trà). Doanh thu hàng năm của HTX đạt từ 1,5-1,7 tỷ đồng.
Từ ngày đầu thành lập, xác định xây dựng sản phẩm OCOP nhằm tăng tính nhận diện thương hiệu, qua đó gia tăng tiêu thụ và nâng cao giá trị cây chè HTX thường xuyên mang các sản phẩm OCOP tham gia trưng bày tại các hội chợ, triển lãm. Các hoạt động này giúp tiếp cận được tệp khách hàng lớn, thương hiệu chè của HTX cũng ngày càng được biết đến nhiều hơn. Hiện nay, dòng sản phẩm chính đơn vị Nõn tâm trà có giá bán trên 500 nghìn đồng/kg (gần gấp 2 lần so với năm 2020 khi chưa được chứng nhận OCOP).
Còn tại HTX chè sạch Đạt Phát (xã Vô Tranh) thành lập với 7 thành viên chính thức và 30 hộ liên kết, vùng nguyên liệu chè VietGAP rộng 15ha. Hiện nay, HTX có 2 sản phẩm OCOP đều được chứng nhận 4 sao là Trà tôm nõn và Trà đinh Đạt Phát. Hằng năm, sản lượng của đơn vị đạt khoảng 35 tấn chè búp khô.
Anh Vũ Thành Thơm, Giám đốc HTX chè sạch Đạt Phát, cho biết: Vùng nguyên liệu tại xã Vô Tranh không thiếu, tuy nhiên nhiều năm nay bà con vẫn lúng túng trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, thiếu sự liên kết giữa các hộ. Nhận thấy điều đó, tôi đã tập hợp bà con tâm huyết với nghề chè để cùng xây dựng vùng nguyên liệu được chứng nhận VietGAP, đích đến là xây dựng sản phẩm OCOP để nâng tầm thương hiệu. Nhờ vào chứng nhận OCOP mà sản phẩm của chúng tôi nhận được sự tin tưởng lớn của khách hàng, tỷ lệ khách tiếp tục mua lần hai là trên 70%.
Vô Tranh là một trong những vựa chè của huyện Phú Lương với tổng diện tích trên 600ha. Mỗi năm, sản lượng chè búp tươi đạt 8.000 tấn, giá trị sản phẩm thu được bình quân đạt 165,1 triệu đồng/ha. Xã có 11 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè với diện tích VietGAP được chứng nhận là 155ha, trong đó một số diện tích đang được chuyển đổi sang hướng hữu cơ như sử dụng phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật…
Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền cấp xã, huyện trong việc tổ chức tập huấn, hỗ trợ trang thiết bị máy móc, tem mác, bao bì sản phẩm…, thì sự nỗ lực, tự lực của các HTX là yếu tố then chốt giúp sản phẩm đạt được chứng nhận OCOP và sử dụng chứng nhận đó để nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Trong năm 2024, xã Vô Tranh phấn đấu có ít nhất 6 sản phẩm đạt chứng nhận từ OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm của Công ty CP V-Ginseng (xóm Làng Huyện) và sản phẩm Nụ trà cổ của HTX chè an toàn Hoan Xuyến.