TP. Phan Thiết: Sản phẩm OCOP thương hiệu từ niềm tin
Sản phẩm thủy sản đạt chuẩn OCOP (Công ty TNHH Mười Tuyền). Ảnh tư liệu.
Nỗ lực vượt qua khó khăn
Bà Đặng Thị Ngọc Diệu – Phó Phòng Kinh tế thành phố Phan Thiết cho hay: “Khi sản phẩm đạt chứng nhận các sao OCOP sẽ được nhiều khách hàng biết đến nên việc kinh doanh của chủ thể OCOP thuận lợi hơn, góp phần tăng thu nhập cho các chủ thể và người tiêu dùng cũng yên tâm khi chọn mua các sản phẩm đạt các sao OCOP”. Vì vậy, các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn khi được tuyên truyền tham gia đều rất nhiệt tình. Công ty TNHH Hải Nam – Okinawa (phường Phú Hài – Phan Thiết) là chủ thể tham gia sản phẩm OCOP năm 2021 với 2 sản phẩm là rong nho, rong nho muối. Chị Trần Thị Nga – đại diện công ty cho biết: “Trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19, tất cả quy trình hướng dẫn đều phải làm việc qua điện thoại, công ty luôn chủ động khi đơn vị tư vấn hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình. Sản phẩm rong nho đã được các chứng nhận vệ sinh thực phẩm, chất lượng tiêu chuẩn ISO, HACCP xuất khẩu đi châu Âu, Nhật; cung cấp cho các nhà hàng, hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi mong muốn sản phẩm đạt chuẩn OCOP mở rộng thêm phân khúc thị trường, đưa sản phẩm gần hơn với người tiêu dùng”.
Năm 2021 thành phố Phan Thiết có 9 sản phẩm của 8 chủ thể tham gia ở nhóm thực phẩm gồm: nước mắm, rong nho, rong nho muối, tương đen, tương ớt. Đặc biệt, năm nay thành phố Phan Thiết có sản phẩm đăng ký dịch vụ Du lịch làng nghề nước mắm Công ty TNHH Cá Đen và các đơn vị sản xuất nước mắm đạt tiêu chuẩn về chất lượng và môi trường. Theo kế hoạch, thời điểm này Phòng Kinh tế thành phố Phan Thiết đã tiếp nhận hồ sơ sản phẩm của các cơ sở sản xuất để tổng hợp, trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm. Dịch Covid-19 bùng phát, phức tạp, các ngành chức năng không thể tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn chủ thể tham gia OCOP. Cùng với đó là khó khăn của chủ thể trong công tác làm hồ sơ, đặc biệt là phương án sản xuất kinh doanh (SXKD), định hình kế hoạch SXKD… Song với sự hỗ trợ của cán bộ chuyên môn đang cố gắng giúp các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Ðặt chất lượng lên hàng đầu
Mỗi sản phẩm đạt chuẩn OCOP, so sánh với bộ tiêu chí đã được cụ thể hóa theo thang điểm, nếu được điểm cao thì hạng sao cao theo. Ðây cũng là căn cứ tin cậy để người tiêu dùng an tâm về chất lượng sản phẩm địa phương, cũng là ưu thế để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Mặt khác, tham gia OCOP, sản phẩm sẽ được ưu tiên hỗ trợ các chính sách cần thiết để đưa sản phẩm vươn tầm xa hơn, có cơ hội hợp tác, liên kết trong tiêu thụ và sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho chủ thể. Chương trình OCOP thành phố Phan Thiết đã có những bước đi căn bản, sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn và sự nhiệt tình tham gia của các chủ thể bước đầu cho kết quả nhất định sau 2 năm thực hiện. Thành phố Phan Thiết là địa phương nổi bật khi có đến 19 sản phẩm (5 sản phẩm 3 sao, 14 sản phẩm 4 sao) trong tổng số 56 sản phẩm chứng nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. “Chương trình OCOP không chỉ nâng tầm chất lượng sản phẩm đặc trưng của địa phương, mà còn là cơ hội để mở rộng thị trường cho sản phẩm. Vì vậy, khâu chấm điểm, đánh giá, kiểm soát đầu vào rất chặt chẽ để có sản phẩm đạt chất lượng cao mới chuyển hồ sơ lên cấp tỉnh, cũng là khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng”, bà Diệu cho biết thêm.
Thanh Duyên