Tuy Phước nâng tầm sản phẩm OCOP
Đến nay toàn huyện Tuy Phước có 46 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đang đề xuất công nhận OCOP 4 sao và 44 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Nhiều sản phẩm được người dùng ưa chuộng như: Yến Sào Năm Công; Bột diếp cá đông trùng hạ thảo; Bánh ít lá gai bà Dư.
Huyện Tuy Phước hiện có 46 sản phẩm OCOP |
Các sản phẩm OCOP của huyện ngày càng đa dạng về mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các chủ thể quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, tham gia vào các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Tuy Phước thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phát triển các sản phẩm đặc trưng, lợi thế với khai thác nguồn nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, nhằm phát huy nội lực, sức sáng tạo, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với cộng đồng.
Nhà máy chế biến xay xát gạo Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hưng |
Thời gian tới, huyện Tuy Phước tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp lợi thế thế mạnh của địa phương. Đào tạo tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp về quản lý thực hiện Chương trình OCOP và phát huy vai trò của các chủ thể sản xuất tham gia thực hiện Chương trình OCOP. Duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận, nâng hạng sao và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia Chương trình OCOP; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
Ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Tỷ lệ hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm OCOP đã tốt hơn trước đây. Để tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP thì huyện Tuy Phước đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định về các chương trình khuyến công. Năm nay, huyện đăng ký 12 chương trình khuyến công, trong đó chủ yếu là phục vụ hỗ trợ trang thiết bị máy móc, dụng cụ và quy trình sản xuất cho các tổ chức và cá nhân, trong đó có các sản phẩm OCOP. Qua việc hỗ trợ này sẽ giúp các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp nâng cao công nghệ, giảm được chi phí sản xuất và giảm giá thành để sản phẩm có thể tiếp cận thị thường tốt hơn.
Gạo quê Phước Hưng được đánh giá hạng OCOP 3 sao |
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định, cho biết: Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được đánh giá thận trọng, chuyên nghiệp về nhiều mặt, hướng đến các sản phẩm chất lượng, uy tín và đem lại thu nhập cho hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất và cộng đồng. Từng bước ứng dựng các trang thiết bị, máy móc để nâng tầm sản phẩm OCOP. Cùng với nâng tầm sản phẩm OCOP, để đạt các chứng nhận 4 sao trở lên thì ngoài việc các cơ sở trang bị các máy móc thì các sở, ngành, đặc biệt UBND tỉnh Bình Định đã có chính sách hỗ trợ đối với các sản phẩm OCOP này. Ngoài ra, tỉnh Bình Định còn hỗ trợ 50% kinh phí truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm OCOP. Với những hỗ trợ như vậy đã mang lại hiệu quả và đặc biệt nâng tầm sản phẩm OCOP của huyện Tuy Phước và toàn tỉnh Bình Định trong thời gian qua.