Xây dựng thương hiệu riêng cho xoài cát chu Cầu Kè
Trong 100 gam xoài chín có 15,9 gam glucid, 0,6 gam protein, 0,3 gam lipid, 10mg calci, 0,3mg sắt, 1.880microgam Vitamin A, 0,06mg vitamin B1, 36 Vitamin C... và nhiều sinh tố vi lượng có ích khác. Cung cấp 62 calo, 78% nhu cầu vitamin A mỗi ngày, rất tốt cho sự phát triển của trẻ em, làn da và thị lực; 46% nhu cầu Vitamin C. Chính vì vậy, xoài cát chu rất được người tiêu dùng ưa chuộng, giá trị kinh tế cao.
Mẫu nhãn hiệu dùng để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm xoài cát chu Cầu Kè |
Có rất nhiều tiềm năng để phát triển
Huyện Cầu Kè có sông Hậu và tuyến Quốc lộ 54 chạy qua, thuận lợi về giao thông đường bộ và đường thủy. Đồng thời tiếp giáp với nhiều vùng trọng điểm kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giúp mở rộng giao thương với các tỉnh trong khu vực. Bên cạnh đó, địa phương có diện tích tự nhiên 24.662 ha, đất nông nghiệp 19.948 ha, chiếm 81% đất tự nhiên, mang đến thế mạnh để phát triển kinh tế nông nghiệp. Tài nguyên du lịch được thiên nhiên ưu đãi, phong phú, đa dạng nhất như: đất đai màu mỡ, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đã góp phần tạo nên những vườn cây ăn trái trĩu quả, khí hậu mát mẻ trong lành quanh năm ở Cầu Kè. Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất này khá cao, trung bình một năm hộ sản xuất thu được lợi nhuận 12,7 triệu đồng/1.000m2.
Thịt xoài gần như không có xơ, mềm nhưng hơi dai, vị ngọt sâu và đậm hương thơm. Xoài Cát Chu chuẩn khi ăn thường tan trong miệng và vị ngọt còn đọng mãi trên đầu lưỡi |
Theo "Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030": Tổng diện tích cây ăn trái của Trà Vinh hiện nay đạt khoảng 19.200 ha, với tổng sản lượng đạt 282.240 tấn; tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025 tốc độ gia tăng của ngành nông nghiệp đạt khoảng 3%/năm, trong đó trồng trọt và chăn nuôi chiếm khoảng 58,79%, sản lượng cây ăn trái đạt 296 nghìn tấn (định hướng đến năm 2030 sản lượng cây ăn trái đạt khoảng 330 ngàn tấn). Mục tiêu đến năm 2025 diện tích và sản lượng cây ăn trái của các huyện đạt: Cầu Kè (7.965 ha, 126.237 tấn), Càng Long (4.935 ha, 75.160 tấn), Tiểu Cần (2.650 ha, 36.116 tấn) Cầu Kè (1.405 ha, 18.729 tấn), Cầu Ngang (1.075 ha, 12.158 tấn) và Trà Cú (1.000 ha, 16.300 tấn).
Nhằm tận dụng tiềm năng sẵn có trong phát triển cây ăn trái, huyện Cầu Kè đã tập trung xây dựng các mô hình trồng cây ăn trái theo hướng ứng dụng khoa học và công nghệ theo các tiêu chuẩn và đảm bảo VSATTP, đặc biệt là mô hình trồng xoài cát chu theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Hòa Tân nói riêng và toàn huyện Cầu Kè nói chung. Theo Quyết định số 2368/QĐ-UBND, ngày 13/12/2013 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Trà Vinh, được thực hiện trong giai đoạn 2019-2021 đã đem lại những thành công nhất định.
Mô hình trồng xoài cát chu theo tiêu chuẩn VietGap và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn và sản xuất trái vụ đã từng bước được ứng dụng nhân rộng trên địa bàn của huyện Cầu Kè. Xoài cát chu sản xuất với tiêu chuẩn ATTP và đặc biệt là trồng trái vụ đã tăng mạnh về sản lượng, chất lượng đã đem lại những lợi ích kinh tế lớn cho người dân của huyện. Tổng diện tích trồng xoài của huyện Cầu Kè hiện nay đạt khoảng 400 ha (chủ yếu là xoài cát chu), các vùng trồng xoài cát chu nổi tiếng của huyện là Hòa Tân, An Phú Tân, Tam Ngãi, Ninh Thới, trong đó khoảng 50 ha đã được công nhận VietGap (tại xã Hòa Tân), tổng sản lượng xoài cát chu toàn huyện đạt khoảng trên 3.100 tấn.
Còn rất nhiều khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi thì việc sản xuất cũng tồn tại nhiều khó khăn, như: sản xuất manh mún nhỏ lẻ, chưa tập trung theo tiêu chuẩn xuất khẩu để nâng cao giá trị kinh tế. Việc tiêu thụ xoài chủ yếu dựa vào thương lái, không thông qua hợp đồng bao tiêu nên lúc cao điểm thu hoạch rộ dễ bị ép giá...
Cạnh tranh về giá và chất lượng với xoài Thái, xoài keo Campuchia. Không những vậy, tình hình dịch hại trên cây trồng diễn biến phức tạp (sâu đục trái, bọ trĩ...)
Đa số nhà vườn có thói quen sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, thiếu liên kết và còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu, chưa mạnh dạn áp dụng công nghệ trong sản xuất dẫn đến sản phẩm ít, chất lượng chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên khó tiêu thụ. Một số nông hộ áp dụng mô hình trồng xoài theo hình thức vườn tạp, mong tránh rủi ro về giá cả nên hiệu quả chưa cao.
Theo các chuyên gia, khó đầu ra, lại chủ yếu bán tươi là nguyên nhân khiến giá trị của quả xoài bị giảm. Điều này không phải do người dân, Hợp tác xã chưa hình thành được các chuỗi giá trị từ sản xuất đến bao tiêu, chế biến mà thực tế cho thấy, nhiều xã có hợp tác xã, tổ hợp tác trồng xoài từng ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nhưng số lượng này vẫn còn nhỏ hoặc hiệu quả liên kết chưa thực sự cao.
Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá NHCN Xoài Cát Chu Cầu Kè cho sản phẩm Xoài Cát Chu của huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh là thật sự cần thiết, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của người dân và chính quyền địa phương
Được UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt thuyết minh nhiệm vụ theo quyết định số 827/QĐ-UBND ngày 30/05/2023, Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định SPVALUE đã tiến hành khảo sát, đánh giá về thực trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm xoài Cát Chu của huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Trên cơ sở đó tiến hành: xây dựng bản đồ khu vực địa lý vùng sản xuất sản phẩm mang NHCN, xin phép UBND tỉnh Trà Vinh cho phép sử dụng địa danh “Cầu Kè” để đăng ký bảo hộ NHCN; xây dựng quy chế quản lý và sử dụng NHCN, bộ tiêu chí sản phẩm mang NHCN; thiết kế mẫu NHCN “Xoài Cát Chu Cầu Kè”. Dựa trên kết quả của những công việc trên, tiến hành nộp hồ sơ đăng ký NHCN “Xoài Cát Chu Cầu Kè” cho Cục SHTT vào ngày 18/12/2023 do UBND huyện Cầu Kè đứng tên chủ đơn đăng ký.
Để phát huy hiệu quả mô hình chuyển đổi kinh tế, nhất là tạo đà phát triển cho các sản phẩm cây ăn trái đang là lợi thế của các địa phương trong tỉnh; Trà Vinh đã đang tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trái cây, đây là hướng đi đúng đắn để cho vườn cây ăn trái ở tỉnh phát triển một cách bền vững. Hy vọng thời gian tới, xoài cát chu Cầu Kè Trà Vinh sẽ đươc người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn nữa.