Gạo nếp Bắc Nghĩa Bình khẳng định thương hiệu trên thị trường
Sản phẩm thế mạnh của quê hương
Nếu ai đã từng có dịp đến với vùng đất Nghĩa Hưng vào những ngày Tết hẳn sẽ rất ấn tượng với mùi vị đặc trưng của gạo nếp thơm Bắc Nghĩa Bình. Hạt gạo tròn, béo mẩy, dẻo thơm quện chặt vào nhau trong từng đĩa xôi, từng miếng bánh chưng thơm lừng ngày Tết có thể chinh phục mọi thực khách.
![]() |
Là vùng đất trũng, khó canh tác song lại được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng với chất đất hơi chua phèn, phù sa màu mỡ tạo nên hạt gạo nếp Bắc “nấu xôi cũng dẻo, nấu rượu cũng ngon”. Hàng trăm năm nay, người dân xã Nghĩa Bình đã gắn bó với giống nếp thơm Bắc Nghĩa Bình và đây cũng chính là sản phẩm mang lại niềm tự hào cho người dân nơi đây. Có màu trắng đục, tròn đều, hạt nếp thơm Nghĩa Bình khi nấu xôi, gói bánh chưng có mùi thơm đặc trưng khác hẳn với những giống gạo nếp khác. Gạo nếp thơm Nghĩa Bình khi nấu lên có thể để 2-3 ngày mà vẫn giữ nguyên được độ dẻo thơm, ăn một lần là sẽ nhớ mãi.
Không chỉ sử dụng để nấu xôi, gói bánh, gạo nếp thơm Nghĩa Bình còn được dùng để nấu rượu. Dưới bàn tay khéo léo của người nghệ nhân nấu rượu, hạt gạo nếp được nấu thành xôi, trộn với men rượu, trải quả quá trình ủ đặc biệt sẽ cho ra đời thứ rượu trắng đục, sánh mịn và đặc biệt là rất thơm. Khi sử dụng gạo nếp thơm Nghĩa Bình để sản xuất rượu nếp truyền thống thì hương vị sẽ có sự khác biệt rõ rệt. Rượu thơm lừng mùi nếp, sóng sánh như mật ong, đủ để khiến cho ai thưởng thức dù chỉ một lần cũng không quên được sự nồng nàn, say đắm.
Xây dựng vùng sản xuất, bao tiêu sản phẩm
Ngày xưa, những hạt gạo này được xếp vào loại hàng hóa đặc biệt “gạo tiến vua”, người làm ra hạt lúa cũng chỉ dám ăn vào các dịp trọng đại như lễ, Tết, ngày gia đình sum họp. Mở vung nồi cơm người ta phải ngây ngất trước hương vị đặc biệt của nó…
Chất lượng như vậy nhưng trước đây, các hộ gia đình trồng lúa nếp thơm Nghĩa Bình chủ yếu trồng theo cách truyền thống. Đem những giọt mồ hôi mặn chát đổi lấy hạt gạo thơm ngon, song có nhiều thời điểm, giá gạo lên xuống thất thường khiến người dân không tránh khỏi khó khăn, vất vả. Hiểu được những khó khăn đó, và thương cho những giọt mồ hôi mặn chát của người dân, Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình đã được thành lập.
![]() |
Ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình cho biết: Nếp Bắc là giống lúa truyền thống của địa phương. Hạt gạo tròn màu trắng đục, có mùi thơm đặc trưng, có thời gian sinh trưởng từ 155-160 ngày. Hiện tại, toàn xã có khoảng 100 ha trồng lúa nếp Bắc trong vụ mùa muộn ở các vùng đồng trũng ven đê Thanh Hương.
Khi hợp tác xã được thành lập, tất cả quy trình từ làm đất, gieo trồng đến khi thu hoạch đều được cơ giới hóa. Quy trình đóng gói bảo quản sau thu hoạch cũng được chuẩn hóa. Nhờ đó, sản lượng gạo tăng lên, chất lượng gạo cũng được cải thiện. Cùng với việc bảo quản được thực hiện nghiêm túc, gạo nếp thơm Nghĩa Bình luôn giữ được chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng.
Để nâng cao giá trị và thương hiệu cho hạt gạo nếp Bắc, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình đã xây dựng vùng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm gạo nếp Bắc đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 15 ha với gần 60 hộ dân tham gia. Các hộ trong vùng liên kết được tập huấn kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để tạo ra sản phẩm lúa gạo thương phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhằm tạo thương hiệu cho sản phẩm gạo nếp Bắc Nghĩa Bình, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình đã đầu tư làm nhà xưởng, máy hút chân không, máy đóng gói, thiết kế bao bì, tem nhãn để đóng túi, ép hút chân không sản phẩm theo nhiều quy cách đóng gói (túi 1kg, 2kg) đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng.
![]() |
Bên cạnh đó, HTX đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Gạo nếp Bắc Nghĩa Bình” với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Hiện nay, sản phẩm “gạo nếp Bắc Nghĩa Bình” được bán trực tiếp tại địa phương, qua các hệ thống đại lý trên toàn quốc và bán online (trực tuyến) trên website http://htxnghiabinh.vn (được Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Hà Lan hỗ trợ xây dựng) và trên các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook của HTX.
Phát triển thương hiệu gạo nếp Bắc Nghĩa Bình
Thời gian tới, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình tập trung xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể “Nếp Bắc Nghĩa Bình” cho sản phẩm nếp Bắc; xây dựng hệ thống và mô hình quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; xây dựng các phương tiện quảng bá, phát triển thương mại cho sản phẩm nếp Bắc mang nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể “Nếp Bắc Nghĩa Bình” theo chuỗi giá trị…
Phát triển thị trường sản phẩm gạo nếp mang thương hiệu “Nếp Bắc Nghĩa Bình” trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu sản phẩm, phấn đấu mỗi năm cung ứng 50 tấn gạo nếp Bắc. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, HTX tập trung xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể “Nếp Bắc Nghĩa Bình” cho sản phẩm nếp Bắc; xây dựng hệ thống và mô hình quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; xây dựng các phương tiện quảng bá, phát triển thương mại cho sản phẩm nếp Bắc mang nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể “Nếp Bắc Nghĩa Bình” theo chuỗi giá trị…
HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình sẽ chuyển bước sang sản xuất gạo nếp Bắc theo quy trình hữu cơ, nâng sản phẩm “gạo nếp Bắc Nghĩa Bình” lên hạng 5 sao phục vụ xuất khẩu. Đây là động lực giúp cho người nông dân không “quay lưng” với ruộng khi giá trị lao động và thu nhập tăng lên, đồng thời tạo dấu mốc về sự phát triển của nghề trồng lúa trong giai đoạn mới.
Việc xây dựng thành công các sản phẩm OCOP chất lượng như các sản phẩm gạo Nghĩa Bình là đòn bẩy để huyện Nghĩa Hưng tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới kiểu mẫu.
Tin mới hơn


Tin khác














