Xây dựng sản phẩm OCOP từ nông sản đặc trưng
Thành công của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã góp phần phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp manh mún sang sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường…. Qua đó, các sản phẩm nông sản của người nông dân Yên Bái được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, từng bước vươn ra thị trường lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu…
![]() |
Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có gần 300 sản phẩm OCOP. |
Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng, huyện Văn Chấn là một trong những điển hình thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, quá trình thực hiện xây dựng mẫu mã, thương hiệu sản phẩm đã giúp doanh nghiệp hoàn thiện, củng cố, khắc phục tất cả các khâu của chuỗi sản xuất, kinh doanh một cách khoa học và hiệu quả.
Đến nay, HTX trở thành một trong những đơn vị có nhà xưởng đạt tiêu chuẩn HACCP; vùng nguyên liệu đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, cây chè đã được đánh số truy xuất nguồn gốc vùng trồng. Tháng 8/2023, 2 sản phẩm OCOP 4 sao của HTX Suối Giàng là Hồng trà Shan tuyết và Diệp trà Shan tuyết đã bảo đảm các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn châu Âu để tham gia xuất khẩu.
Bà Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX Suối Giàng cho biết, hiện nay HTX đã có 6 loại sản phẩm mang tên Tuyết Sơn Trà có chất lượng tốt, được đóng gói với mẫu mã đẹp, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, trong đó có 2 sản phẩm là Hồng trà Shan Tuyết và Diệp trà Shan Tuyết đã bảo đảm các tiêu chuẩn châu Âu được xuất khẩu sang thị trường Anh và Nhật Bản. Doanh thu bình quân hàng năm của HTX đạt 2,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 350 triệu đồng; thu nhập bình quân người lao động trong HTX đạt 5,7 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều sản phẩm OCOP từ đặc sản vùng miền
Mù Cang Chải là huyện vùng cao, có địa hình và khí hậu phức tạp, trình độ canh tác của người dân còn thấp. Với chủ trương “biến khó khăn thành lợi thế”, những năm qua chính quyền huyện Mù Cang Chải đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp, HTX xây dựng các mô hình nông nghiệp hàng hóa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để tạo việc làm, nâng cao thu nhập và từng bước chuyển giao kỹ thuật cho người dân.
![]() |
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái được xuất khẩu tới các thị trường nước ngoài. |
Giờ đây ở Mù Cang Chải đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa như: vùng trồng hoa hồng trên 100 ha, vùng trồng rau sạch và các sản phẩm khác như nấm hương, nấm sò, ớt chuông, cà chua, su su… trên 50ha, vùng sản xuất lúa chất lượng cao hơn 700 ha với các giống lúa nếp Tan và Séng cù. Đến nay, toàn huyện có 15 sản phẩm OCOP 3 sao, chủ yếu đều là những nông sản chủ lực đặc trưng được trồng, thu hái, chế biến sạch và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Với quan điểm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước đưa tỉnh Yên Bái thành một trong những tỉnh trọng điểm trong khu vực miền núi phía Bắc về sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư máy móc chế biến, thiết kế bao bì, mẫu mã và xúc tiến thương mại đưa các sản phẩm OCOP ra thị trường trong và ngoài nước.
Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 297 sản phẩm OCOP, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao, 272 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã có sự khác biệt, mang đặc trưng riêng, nhiều sản phẩm có nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý khẳng định lợi thế trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.
Theo ông Hoàng Hữu Độ, Giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái, chương trình OCOP đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững. Định hướng phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian tới là không chạy theo số lượng mà nâng cao chất lượng, tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm đã có, hoàn thiện các điều kiện để nâng hạng các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường...
Tin mới hơn






Tin khác














