Bạc Liêu gia tăng giá trị sản phẩm OCOP
Bạc Liêu công nhận thêm 108 sản phẩm OCOP
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều, Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị và là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có 108 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (Ảnh: TL)
Qua 4 năm thực hiện, Đề án Chương trình OCOP tại Bạc Liêu đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp và đạt được hiệu quả cao, tạo luồng gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, là hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 108 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 23 sản phẩm đạt 4 sao và 85 sản phẩm đạt 3 sao.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Đề án Chương trình OCOP tỉnh Bạc Liêu tuy mới được triển khai thực hiện trong vài năm gần đây, nhưng đã gây được tiếng vang và được người dân đồng lòng ủng hộ, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đã tích cực tham gia. Các chủ thể có sản phẩm OCOP đã nhận thức được về lợi ích của Chương trình OCOP mang lại. Từ đó, các chủ thể có sản phẩm OCOP đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, bao bì nhãn mác…, để hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Gia tăng giá trị sản phẩm OCOP
Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu đã và đang phát triển mạnh mẽ đi vào chiều sâu, từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng của sản phẩm, nhiều sản phẩm OCOP đã có mặt trong các siêu thị lớn và được xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Từ đó cho thấy sự thành công trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP và sản phẩm OCOP ngày một tăng dần qua từng năm kể cả số lượng, chất lượng, cũng như thương hiệu sản phẩm.
Bạc Liêu đẩy mạnh các hoạt quảng bá và giới thiệu các sản phẩm OCOP (Ảnh: TL)
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu cũng còn nhiều hạn chế như: phần lớn các sản phẩm OCOP sản xuất theo phương thức thủ công, chất lượng sản phẩm chưa cao, bao bì nhãn mác còn hạn chế, thiếu sức cạnh tranh; số lượng sản phẩm OCOP nhiều, nhưng phần lớn mới chỉ đạt ở cấp độ 3 sao và các sản phẩm OCOP được công nhận chưa đa dạng về chủng loại, chủ yếu là các sản phẩm được chế biến từ thủy hải sản.
Mặt khác, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở một số địa phương trong thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao, chính quyền ở một số địa phương còn chậm, chưa xác định rõ được vai trò và vị trí của Chương trình OCOP, dẫn đến quá trình triển khai thiếu sự quan tâm, chỉ đạo; nhận thức của cán bộ, đảng viên về thực hiện Chương trình OCOP còn có hạn chế nên công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ thể tham gia chưa hiệu quả.
Sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: ocopvietnam.com.vn)
Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, trong thời gian tới, Giám đốc Sở NN-PTNT Lưu Hoàng Ly đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung. Đó là tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và chuyển đổi tư duy cho cán bộ quản lý và các chủ thể OCOP về kỹ năng về tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn - mẫu mã sản phẩm và sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP. Tiếp đó, quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP phù hợp với từng địa phương, phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu; xây dựng được mã số vùng trồng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm, duy trì cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu cần thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát và quản lý sản phẩm OCOP, đẩy mạnh quá trình số hóa, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu để hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.