Đặc sản sâm dây Kon Tum
Sản phẩm Trà Sâm dây Ngọc Linh Lâm Thịnh đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh Kon Tum trong năm 2020 |
Sâm dây (theo tên gọi dân gian ở vùng Kon Tum) có tên khác là Đảng Sâm, Đẳng Sâm, Sâm của người nghèo... tên khoa học là Codonopsis javanica, thuộc họ hoa chuông. Bộ phận dùng là lá và rễ (hay còn gọi là củ). Loại dược thảo này có vị ngọt, tính mát với công dụng hỗ trợ tăng cường sức khỏe, chống mệt mỏi, giúp ngủ sâu giấc. (Theo tư liệu của Công ty Cổ phần Dược liệu Lâm Thịnh Kon Tum)
Đây là loại cây dây leo, thân thảo sống lâu năm, mọc leo hay bò bằng thân quấn. Rễ củ hình trụ, hơi cong queo, phân nhánh và có rễ con. Loại cây này thường phân bố ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, ở những nơi khí hậu mát mẻ, ẩm thấp, mưa nhiều như khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, ở những cánh rừng nhiệt đới có điều kiện khí hậu tự nhiên và thổ nhưỡng như ở một số xã vùng Đông Trường Sơn quanh núi Ngọc Linh - tỉnh Kon Tum phân bố nhiều loài cây dược liệu đặc hữu này.
Địa phương là nơi tập trung nhiều dân tộc anh em cùng nhau sinh sống |
Với mục đích vừa bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học trên cơ sở bảo tồn nguồn gen, vừa phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa thương mại đối với các sản phẩm từ rừng (bao gồm các loài dược thảo), Chính phủ và chính quyền các cấp của tỉnh Kon Tum đã có nhiều kế hoạch, chủ trương. Cụ thể, đã ban hành các kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng kết hợp thực hiện chủ trương xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển vùng sâm và các loài dược thảo theo hướng phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo cho bà con đồng bào dân tộc, tiến tới làm giàu và mở ra triển vọng về phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chị Hồ Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty cổ phần dược liệu Lâm Thịnh Kon Tum |
Hưởng ứng lời kêu gọi từ chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần Dược liệu Lâm Thịnh Kon Tum (huyện Đắk Tô) và nhiều doanh nghiệp khác đã đầu tư máy móc thiết bị chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến sâm dây, tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kết nối tiêu thụ cùng người nông dân và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, đơn vị mong muốn đồng hành cùng người dân để vừa hỗ trợ cải thiện đời sống, vừa góp phần bảo vệ môi trường rừng và phát triển vùng nguyên liệu bền vững.
Công ty cổ phần dược liệu Lâm Thịnh Kon Tum đang có khoảng 10 - 20 lao động làm việc tại nhà máy. |
Chị Hồ Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Lâm Thịnh Kon Tum chia sẻ: “Sâm dây là mặt hàng không chỉ người tiêu dùng trong nước mà cả quốc tế đều quan tâm nhờ công dụng bồi bổ sức khỏe. Việc sản xuất, kinh doanh các loại thảo dược đã qua chế biến vừa giúp làm tăng kim ngạch xuất khẩu, vừa giúp nông sản Việt Nam khắc phục tình trạng khối lượng nhiều nhưng giá thấp. Với lợi thế của thiên nhiên ban tặng, việc bảo tồn cũng như khai thác có kế hoạch các loài dược thảo đặc hữu tại tỉnh Kon Tum đã giúp kích thích hàng loạt lĩnh vực kinh doanh thương mại. Trong đó, lĩnh vực nuôi trồng và chế biến phát triển với các sản phẩm như: sâm dây khô, trà sâm dây, bột sâm dây, nước sâm dây,…
Gian hàng trưng bày sản phẩm của Công ty cổ phần dược liệu Lâm Thịnh Kon Tum |
Cũng theo chị Oanh, trước khi chưa có nhà máy đăng ký thu mua, sâm dây là mặt hàng được một số thương lái nhỏ tìm đến để kết nối thu mua nhưng số lượng ít, không ổn định, quy mô manh mún nên nguồn dược liệu thường không tiêu thụ hết, hư thối, gây lãng phí tài nguyên. Từ thực trạng trên, Công ty Cổ phần Dược liệu Lâm Thịnh Kon Tum đã mạnh dạn đặt điểm thu mua sâm dây trên địa bàn các huyện, đồng thời đặt cam kết đảm bảo đầu ra cho người dân yên tâm canh tác, ổn định cuộc sống.
Sản phẩm của đơn vị tại các điểm trưng bày sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum |
Bên cạnh việc tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, Lâm Thịnh Kon Tum tiếp tục hướng đến tạo thêm việc làm cho người dân, phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, doanh nghiệp đã giải quyết được việc làm ổn định cho 20 lao động làm việc tại nhà máy với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Dự kiến đến năm 2025, Công ty sẽ hoàn tất mục tiêu ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ dân trồng sâm dây trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm của “Trà Sâm dây Ngọc Linh Lâm Thịnh” - sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Doanh nghiệp mong rằng sản phẩm đặc trưng của tỉnh Kon Tum nói chung và Công ty nói riêng được cung ứng rộng rãi đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.