Gia Lai: Phụ nữ khởi nghiệp từ cây cà phê
Duyên lành trên đất Gia Lai cùng cây cà phê
Năm 1993, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân cùng chồng là anh Phan Hữu Dương rời quê hương Nghệ An về Gia Lai lập nghiệp. Nhận thấy tiềm năng phát triển từ cây cà phê đặc sản phố núi, anh chị quyết định khởi nghiệp bằng số tiền tích cóp, đồng thời vay thêm vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai.
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân bên vườn cà phê của gia đình tại Gia Lai
Với 02 ha đất canh tác cà phê ban đầu ằm tại thị trấn YaLy (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), việc chăm sóc, tỉa cành, cắt cỏ, ủ phân và thu hoạch đều được vợ chồng chị đảm đương theo phương pháp thủ công. Tuy nhiên, công việc trồng cà phê khi ấy không thật sự thuận lợi do thiếu kinh nghiệm, không đủ điều kiện kinh tế nên vườn cà phê phát triển chậm, năng suất mang lại không cao.
Trải qua các buổi sinh hoạt, tiếp thu học tập kiến thức, chuyển giao kỹ thuật tại địa phương, vườn cà phê gia đình ngày càng xanh tốt và đem lại năng xuất cao, nhờ áp dụng các thành tựu khoa học trong canh tác. Không dừng lại ở việc cải thiện chất lượng và gia tăng lợi nhuận, chị Xuân luôn muốn đưa sản phẩm tiếp cận với nhiều người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu, cải thiện đời sống cho chị em phụ nữ trên địa bàn. Bởi theo chị Xuân, từng là một người làm công, đồng thời là một phụ nữ lam lũ sống và gắn bó cùng cây cà phê địa phương, hơn ai hết, chị hiểu những nỗi vất vả, khó nhọc để tạo ra thành phẩm đạt chuẩn đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân bên sản phẩm cà phê Xuân Dương
Từ năm 2016, chị Xuân và chồng bắt đầu rẽ hướng sang ngành chế biến rang xay và thành lập cơ sở cà phê Xuân Dương. Sau 6 năm nỗ lực, đến nay, gia đình chị đã có 05 ha trồng và một cơ sở sản xuất cà phê. Mỗi tháng cơ sở cà phê Xuân Dương có 05 lao động chủ yếu là chị em phụ nữ làm việc trực tiếp và 10 - 15 nông dân tham gia canh tác thời vụ khi vào mùa thu hoạch. Thu nhập người lao động cải thiện qua từng năm, mức lương dao động từ 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng.
Chị em phụ nữ làm việc tại cơ sở chế biến cà phê Xuân Dương
Chị em phụ nữ làm việc tại cơ sở chế biến cà phê Xuân Dương
Với những đóng góp mang lại, chị Xuân góp mặt trong danh sách tuyên dương những thành viên tham gia tích cực tại Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh Gia Lai. Năm 2020, chị nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” qua đó khẳng định vai trò của người phụ nữ trong việc phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nâng tầm thương hiệu cà phê Gia Lai
Chị Xuân cho biết, sản phẩm cà phê Xuân Dương nói không với thuốc trừ sâu, hạn chế tối đa phân hóa học, tăng cường phân hữu cơ và sinh học, tránh gây tác hại đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời áp dụng quy trình thu hoạch và chế biến thủ công theo phương pháp lên men tự nhiên, giúp cà phê sau khi phơi, sấy khô vẫn giữ được vị ngọt đặc trưng.Hiện nay, cà phê Xuân Dương được bầu chọn là nông sản tiêu biểu tại huyện Chư Păh, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại của tỉnh Gia Lai. Tháng 12/2019, sản phẩm cà phê từ cơ sở nhận đánh giá OCOP 3 sao cấp tỉnh, mở ra cơ hội tham gia xúc tiến thương mại sản phẩm cà phê sạch vùng đất YaLy, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống cho người dân huyện Chư Păh.
Cà phê Xuân Dương tham gia xúc tiến thương mại tại Hội chợ OCOP tỉnh Gia Lai
Ngoài ra, để nâng tầm thương hiệu cà phê Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phát động “Đề án phát triển cà phê chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2030”. Qua đó, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đáp ứng nguồn cung phục vụ nhu cầu ngày càng tăng ở thị trường trong nước, nhằm nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm cà phê Việt trên thị trường thế giới, tạo động lực phát triển bền vững cho mặt hàng nông sản chủ lực.
Cà phê Xuân Dương tham gia xúc tiến thương mại tại Hội chợ OCOP tỉnh Gia Lai
Cũng tại đề án này, Gia Lai là một trong những địa phương của khu vực Tây Nguyên hưởng lợi trực tiếp, mở ra cơ hội nâng tầm giá trị, thương hiệu cà phê đặc sản. Được biết, dự án sẽ hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng 3 vùng nguyên liệu để thu mua, bảo quản cà phê chất lượng cao với quy mô 1.300 tấn. Đồng thời kết nối cơ sở hạ tầng, giúp hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu, triển khai tại 4 địa phương chính gồm huyện Đăk Đoa, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Păh.
Chị Xuân bày tỏ sự hào hứng khi địa phương có nhiều động thái tích cực trong việc hưởng ứng triển khai đề án. Không chỉ riêng chị, đa số người dân trồng cà phê, cơ sở kinh doanh cà phê tại huyện Chư Păh cùng các địa phương khác của Gia Lai đều muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô canh tác, nhưng tình hình dịch bệnh trong năm qua khiến nhiều kế hoạch, định hướng của người dân phải gác lại.
Bên cạnh đó, chị hy vọng các cơ quan, ban ngành sẽ giúp đỡ cơ sở tăng cường máy móc, trang thiết bị sơ chế, máy rửa, máy xay công suất lớn hơn, tạo điều kiện cho cà phê Xuân Dương đáp ứng nguồn cung cho nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu.