Loại rượu tiến vua được làm từ men truyền thống ở Hà Nam
Bí quyết để nấu rượu làng Vọc truyền thống
Sản phẩm rượu Vọc được người dân chú trọng chất lượng và đầu tư làm thương hiệu. |
Rượu làng Vọc ở xã Vũ Bản xưa nay nổi tiếng ngon bởi có bí quyết nấu rượu gia truyền hàng trăm năm, được chưng cất từ tinh hoa của đất trời và con người. Theo một số ghi chép, vào thế kỷ XIII, trên dòng Ninh Giang, thuyền buôn của các thương gia thường xuyên xuôi về làng Vọc chở gạo, chở rượu đi giao dịch thập phương. Rượu làng Vọc cũng nhờ đó đã theo chân các thương nhân vào đến xứ Thanh, xứ Nghệ, lên xứ Lạng, Lào Cai và được cung tiến dâng vua.
Rượu làng Vọc được nấu bằng loại gạo nếp đặc sản ủ với men gồm 36 vị thuốc bắc. Rượu làng Vọc có hương thơm nức, vị đậm đà, ngọt lịm giống như cái tình của người dân nơi đây vậy. Để có được một mẻ rượu ngon thì gạo nấu rượu phải là nếp cẩm hay nếp cái hoa vàng vẫn còn nguyên lớp vỏ lụa và lớp cám, sau thu hoạch tầm 3 tháng trở lại là vừa.
Làng rượu Vọc ở xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đang có hơn 50 hộ sản xuất rượu truyền thống. Để mang sản phẩm tới thị trường, người dân làm nghề đã sớm thành lập các HTX, doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất và kinh doanh rượu. Trong đó có thể kể đến thương hiệu rượu Vọc Đức Toàn của chị Trần Thị Hiền, một sản phẩm được công nhận đật chuẩn OCOP 3 sao từ năm 2019.
Rượu Vọc Đức Toàn – sản phẩm OCOP 3 sao
Sản phẩm rượu Vọc Đức Toàn được công nhận OCOP 3 sao. |
Từ thành công của sản phẩm OCOP rượu Vọc Đức Toàn là động lực để các cơ sở khác ở địa phương học tập kinh nghiệm nâng cao chất lượng sản phẩm. Rượu Vọc Đức Toàn đã có mặt ở nhiều nhà hàng, khách sạn ở tỉnh Hà Nam và các tỉnh thành lân cận.
Để có được kết quả hiện nay, nhất là duy trì và tiếp tục được công nhận OCOP, sản phẩm rượu Vọc Đức Toàn đã thực sự có những thay đổi căn bản trong quá trình sản xuất. Cơ sở đã đầu tư lại toàn bộ trang thiết bị từ nồi nấu cơm, đến nồi nấu rượu bằng inox chạy điện thay thế nồi đun củi, bếp than tổ ong trước đây.
Qua đó, vừa nâng công suất lên cả chục lần so với nấu thủ công, vừa bảo đảm chất lượng, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cơm nấu bằng nồi điện chín đều, không bị khê, sống, bắt men rượu tốt hơn. Về nguồn nguyên liệu, cơ sở kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu vào, hạt gạo đều cả về kích thước, màu sắc, không lẫn loại gạo khác.
Rượu làng Vọc chỉ được dùng men thuốc bắc, nấu với gạo đặc sản của quê hương, không sản xuất rượu kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề. |
Theo chủ cơ sở, men rượu được làm bằng hơn 30 loại thuốc bắc được lựa chọn nguồn thuốc thô không bị mốc mang xay, phối trộn. Đáng chú ý khâu ủ cơm rượu sau khi trộn men cũng được thực hiện trong nhà có điều hòa nhiệt độ, luôn bảo đảm từ 25 – 27 độ C để men vi sinh hoạt động tốt nhất, kể cả khi thời tiết ngoài trời nắng nóng…
Rượu sau khi được nấu đưa vào máy khử độc tố (Andehit). Cơ sở sản xuất luôn bảo đảm có đầy đủ các điều kiện bắt buộc của sản phẩm đồ uống, được cơ quan chức năng cấp và chứng nhận, như: Giấy phép kinh doanh, kết quả xét nghiệm định kỳ, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…
Cùng với mở rộng quy mô sản xuất, cơ sở luôn quan tâm duy trì tốt chất lượng sản phẩm. Do là loại sản phẩm đồ uống nên ngoài đánh giá của cơ quan chuyên môn, còn được đánh giá cảm nhận từ chính của người tiêu dùng. Cơ sở chưa phải nhận ý kiến trái chiều về chất lượng của sản phẩm OCOP rượu Vọc Đức Toàn từ khi đưa ra thị trường.
Cùng với nâng cao chất lượng, cơ sở sản xuất cũng chú trọng đến đầu tư cải tiến mẫu mã sản phẩm. Sản phẩm khi đưa ra thị trường có đầy đủ tem nhãn, tem truy xuất nguồn gốc. Ngoài rượu đóng can 2 – 5 – 10 – 20 lít, cơ sở có sản phẩm rượu đóng chai 500 ml thuận lợi cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Mẫu mã bao bì đựng sản phẩm được cơ sở thiết kế đẹp để phục vụ làm quà biếu...
Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, cơ sở rượu Vọc Đức Toàn đã nâng cao sản lượng sản xuất và hình thành được chuỗi cung ứng và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khép kín. Cụ thể, nguyên liệu gạo nếp được đặt tại các đại lý uy tín vận chuyển đến sản xuất, sau đó sản phẩm rượu được đưa đi cung cấp cho các đại lý phân phối đến tay người tiêu dùng.
Được biết, để tiếp tục phát triển cơ sở sản xuất rượu Vọc Đức Toàn đang hướng đến thành lập HTX. Vụ mùa năm 2023, cơ sở thí điểm liên kết với người dân địa phương sản xuất nguyên liệu thóc nếp theo hướng VietGAP. Đồng thời, đang xúc tiến ký hợp đồng với các hộ sản xuất gọn vùng khoảng 10 ha lúa nếp bảo đảm chất lượng, được công nhận VietGAP, cấp mã vùng trồng và thu mua toàn bộ sản phẩm với giá tăng khoảng 5% so với giá thị trường tại thời điểm mua trong vụ xuân 2024 và những vụ tiếp theo./.