Xu thế đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền của Thành phố đến với người tiêu dùng trong nước.
Các TikToker livestream bán các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok Shop |
Nhưng dù biết việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử sẽ là kênh bán hàng chính thống trong thời điểm hiện tại và tương lai nhưng do hạn chế về nguồn lực kinh tế, con người nên nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn đứng bên ngoài sàn thương mại điện tử.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sản phẩm OCOP đã góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. 46% chủ thể OCOP gia tăng về sản lượng sau khi được công nhận OCOP, doanh thu bán hàng tăng bình quân gần 30%. Rõ ràng hiệu quả từ chương trình này khá rõ. Tuy nhiên, để phát triển nhanh, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP hiệu quả và bền vững, các chủ thể sản xuất rất cần nhiều chính sách hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành.
Một phiên livestream có sản phẩm OCOP của TP HCM tại ngày hội ở Cần Giờ |
Thực tế cho thấy, mặc dù, việc đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là việc doanh nghiệp có thể làm. Thế nhưng hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP giữ thói quen bán hàng theo phương thức truyền thống. Với họ, sàn thương mại điện tử còn khá mới, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng đều nên sau khi đưa sản phẩm lên sàn nhưng lượng tương tác với khách hàng còn hạn chế dẫn đến số lượng đơn hàng chưa phát triển như mong đợi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hầu hết là nhỏ và siêu nhỏ nên chưa có nguồn nhân lực đủ mạnh để vừa quản trị nên cách đăng tin giới thiệu sản phẩm chưa gây được ấn tượng với khách hàng, giá bán cũng không theo kịp với biến động của thị trường... Đáng lưu ý, chi phí quản lý bán hàng quá cao, từ 25 - 45% cũng khiến doanh nghiệp ngần ngại khi tham gia các sàn thương mại điện tử.
Đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm |
Hiện, Bộ Công Thương đang hợp tác chặt chẽ với đối tác Shopee, Voso, Tiki, Lazada để thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp.
Trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT đang là xu thế giúp sản phẩm có cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, các chủ thể OCOP cũng cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo dựng niềm tin, từng bước khẳng định uy tín với người tiêu dùng.