Chương trình OCOP TP. Hà Nội: Rộng mở tiềm năng và cơ hội phát triển
OCOP Hà Nội rộng mở tiềm năng
Ngay sau khi UBND TP. Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình sản phẩm OCOP đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố, HTX đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (gọi tắt là HTX Nông trại xanh) ở thôn Xuân Hòa (xã Vân Hòa, Ba Vì) đã chú trọng đưa một số sản phẩm đặc trưng của mình trở thành sản phẩm OCOP.
Hà Nội có tiềm năng để phát triển Chương trình OCOP (Ảnh minh họa)
HTX Nông trại xanh là một mô hình nông trại nông nghiệp hữu cơ mẫu ở Ba Vì với mô hình sản xuất khép kín từ trồng cỏ, nuôi bò, chế biến và tiêu thụ. Chỉ sau một thời gian tham gia Chương trình sản phẩm OCOP, các sản phẩm chế biến từ sữa bò với thương hiệu “Trang Vien Green Farm” của HTX đã liên tục “tăng sao” ở sân chơi OCOP của TP. Hà Nội.
Theo Quyết định của UBND TP. Hà Nội phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố năm 2019, 6 sản phẩm mang thương hiệu “Trang Vien” của HTX Nông trại xanh (sữa tươi thanh trùng có/không đường, sữa chua, sữa chua nếp cẩm, bánh sữa, caramen) đã được gắn sản phẩm OCOP 4 sao. Các sản phẩm này đều được Hội đồng đánh giá của Thành phố cho điểm từ 75 trở lên (thang điểm 100).
Cũng như HTX Nông trại xanh ở Ba Vì, sau khi Thành phố ban hành kế hoạch triển khai Chương trình OCOP, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đã hào hứng tham gia. Theo thống kê, toàn Thành phố có khoảng 7.200 sản phẩm có lợi thế, trong đó chủ yếu là nông sản, đặc sản và các sản phẩm làng nghề đặc trưng.
Thêm 2.000 sản phẩm OCOP Hà Nội vào năm 2025
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP. Hà Nội (VP Nông thôn mới), việc thực hiện Chương trình OCOP sẽ góp phần thúc đẩy, phát huy sáng tạo cho các doanh nghiệp, HTX và người dân, đồng thời tạo điều kiện để các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển, nhất là các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là cơ hội tốt để đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị.
Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên trong giai đoạn 2021-2025 (Ảnh minh họa)
Từ những lợi ích đó, Thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, doanh nghiệp có động lực “tăng sao” khi tham gia OCOP. Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, VP Nông thôn mới Hà Nội vẫn tích cực tham mưu Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Hà Nội, năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu có trên 400 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP nhưng thành phố đã thực hiện được 595 sản phẩm, vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó có 162 sản phẩm tiềm năng 3 sao; 429 sản phẩm tiềm năng 4 sao; 7 sản phẩm 5 sao...
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên áp dụng phần mềm đánh giá sản phẩm OCOP năm 2021. Đến thời điểm này, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 1.054 sản phẩm, trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 731 sản phẩm 4 sao, 306 sản phẩm 3 sao. Chương trình OCOP cũng đã thu hút 72 Doanh nghiệp, 82 HTX và 101 Hộ sản xuất kinh doanh, giải quyết được trên 5.000 lao động khu vực nông thôn của thành phố. Trong tổng số 1.054 sản phẩm OCOP được công nhận có 686 sản phẩm thực phẩm, đồ uống 35 sản phẩm, thảo dược 7 sản phẩm…
Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề; hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh QR code… Từ lợi thế này, Hà Nội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên; mỗi huyện, thị xã xây dựng được ít nhất 1 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.