Đắk Lắk: Chủ thể OCOP với khát vọng nâng tầm cà phê Việt
Các sản phẩm cà phê của Công ty Vương Thành Công
Nổi tiếng là “miền hương vị cà phê” đặc trưng của cả khu vực Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk không chỉ sở hữu diện tích trồng (213.000 ha) và sản lượng thu hoạch cà phê (558.000 tấn/năm) lớn nhất nước mà còn là địa phương có kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tương đối cao trong năm 2022.
Căn cứ vào số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, địa phương đã xuất khẩu cà phê đến hơn 80 thị trường trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 900 triệu USD, chiếm trên 55% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ngành cà phê tại Đắk Lắk cũng tạo việc làm ổn định cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người làm việc liên quan đến nghề chế biến, sản xuất, kinh doanh mặt hàng cà phê.
Ông Lê Văn Vương giới thiệu sản phẩm cà phê đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Trong bối cảnh áp lực về an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường ngày càng tăng cao; hoạt động sản xuất canh tác nông nghiệp theo phương hướng hữu cơ (xanh, sạch, an toàn) trở thành xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Nhận định sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại nhiều lợi ích hữu hiệu, những năm qua, UBND tỉnh và Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cũng ban hành nhiều quyết định, kế hoạch triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn nhằm tạo sự đồng thuận và hưởng ứng giữa các cấp cùng nông dân, doanh nghiệp.
Theo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Đắk Lắk, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến công tác đào tạo, hỗ trợ người sản xuất, nông dân nâng cao nhận thức. Nguồn lực tài chính của địa phương còn hạn chế, chưa thể triễn khai chương trình đến hầu hết doanh nghiệp, HTX, nông hộ.
Ông Lê Văn Vương cùng Lãnh đạo Thành phố Buôn Ma Thuột, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương tại Hội nghị giao thương giữ Phú Yên và khu vực Tây Nguyên.
Hiểu rõ vấn đề này, từ năm 2015, Công ty Vương Thành Công (doanh nghiệp chuyên liên kết sản xuất và chế biến cà phê tại địa phương) đã tổ chức 11 lớp học miễn phí về kiến thức cà phê cho gần 500 học viên là các lãnh đạo Công ty, HTX, những người yêu thích cà phê. Qua đó, doanh nghiệp mong muốn hướng dẫn mọi người cách thức tiếp cận quy trình sản xuất hữu cơ cũng như hiểu rõ cách thức ứng dụng công nghệ chế biến nâng tầm giá trị theo chuỗi.
Đại diện doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đến ông Y Biêr Niê (giữa), Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk
Mục tiêu lớp học nhằm lan tỏa quy trình canh tác hữu cơ, hướng đến bảo vệ sức khỏe của bà con nông dân, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Giúp người làm nghề hiểu rõ hơn về tác động của thuốc hóa học đối với môi trường sống và sức khỏe người dân xung quanh. Tham gia các lớp học, học viên được chia sẻ kiến thức tổng quan về ngành cà phê; cải tạo đất, chăm sóc vườn cà phê; phương pháp thu hoạch cà phê; sơ chế, chế biến cà phê; bảo quản cà phê sau thu hoạch; kỹ thuật máy rang; thực hành rang cà phê; hướng dẫn kỹ thuật xay, pha, setup quầy quán; kiến thức về Marketing trong ngành kinh doanh sản phẩm,…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật (áo trắng, thứ hai, từ phải sang) tham qua gian hàng và sản phẩm.
Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty cho biết, “Khi nói không với hóa học và làm theo quy trình hữu cơ, chất lượng cà phê sẽ ngày càng nâng cao. Có như thế mới nâng tầm được giá trị cà phê Việt, hướng đến một ngành cà phê bền vững”.
Đến nay, doanh nghiệp cũng liên kết với 13 hộ dân và cam kết bao tiêu sản phẩm cùng 7 HTX sản xuất cà phê vô cơ và cà phê hữu cơ. Trong đó, đơn vị đã chuyển đổi được 65 ha từ cà phê vô cơ sang hữu cơ. Những sản phẩm cà phê của Công ty Vương Thành Công cũng vô cùng đa dạng, bao gồm: cà phê nhân, cà phê hạt rang (vô cơ và hữu cơ), cà phê bột, cà phê mộc đặc biệt, cà phê sấy lạnh, trà hoa cà phê (hữu cơ), trà cascara (từ vỏ cà phê hữu cơ), cà phê thải độc (hữu cơ), rượu cà phê (từ vỏ thịt quả cà phê hữu cơ), vang cà phê (từ vỏ thịt cà phê hữu cơ lên men tự nhiên), túi thơm cà phê.
Doanh nghiệp tham gia Chương trình xúc tiến du lịch kết nối du lịch Đắk Lắk - Khánh Hoà
Năm 2020, sản phẩm cà phê mộc đặc biệt Vương Thành Công của doanh nghiệp được UBND Tỉnh Đắk Lắk đánh giá đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Liên tiếp những năm sau đó, sản phẩm cà phê mộc đặc biệt Vương Thành Công và cà phê mộc Vương Thành Công cũng được chứng nhận là sản phẩm Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh (2021) và sản phẩm Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu cấp khu vực (2022).
Công ty Vương Thành Công trao chứng nhận cho các học viên tham dự lớp học chia sẻ kiến thức cà phê (VTC12) và giấy khen cho các chuyên gia giảng dạy
Với mong muốn đưa cà phê Việt vươn tầm thế giới, đồng thời giúp lãnh đạo các doanh nghiệp, HTX, nông dân, người yêu thích cà phê hiểu rõ hơn lợi ích của canh tác hữu cơ; trong tháng 4/2023, Công ty Vương Thành Công đã tiếp tục mở lớp học miễn phí cho học viên từ ngày 13 - 15/4.
Các học viên vào vườn cà phê hữu cơ của Công ty Vương Thành Công tìm hiểu và trải nghiệm chăm sóc cây cà phê tại vườn
Kha Văn