Mây tre giang đan Bình Phú: Sản phẩm làng nghề đạt OCOP 4 sao
Kế thừa và phát triển tinh hoa của làng nghề truyền thống
Làng nghề mây giang đan Bình Phú thuộc xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội, từ lâu đã nổi tiếng với nghề mây, tre, giang, đan. Những năm đầu của thập niên 80, làng nghề Bình Phú phát triển mạnh mẽ khi đưa sản phẩm sang nhiều nước ở Đông Âu. Từ sau năm 1991 thì làng nghề gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi của kinh tế - xã hội, vì vậy, vấn đề giữ gìn và phát triển làng nghề luôn được người dân và chính quyền các cấp quan tâm. Năm 2001, UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) đã công nhận 3 làng nghề truyền thống của xã Bình Phú là làng nghề Bình Xá, Phú Hòa và Thái Hòa.
Ông Nguyễn Khắc Đồng (thứ hai bên phải sang) mang sản phẩm mây tre giang đan Bình Phú tới nhiều sự kiện xúc tiến thương mại |
Hiện nay, một trong những người nổi bật đang phát triển nghề ở làng Bình Phú có thể kể đến ông Nguyễn Khắc Đồng - Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu mỹ nghệ Đại Việt. Sinh ra và lớn lên ở làng nghề nên từ nhỏ, ông Đồng đã được gia đình truyền nghề để phát triển. Không những kế thừa cách làm nghề truyền thống, ông Đồng cũng quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mây tre đan.
Trong những năm đầu khởi nghiệp, ông Nguyễn Khắc Đồng đi nhiều nơi để học hỏi, tìm kiếm cách làm hay, khảo sát thị trường. Ông chú trọng việc tìm ra những vùng nguyên liệu chất lượng, an toàn và có giá thành hợp lý để sản xuất các sản phẩm như Quạt xòe trang trí nội thất, khách sạn, Thảm trải bàn tre, quạt lá đề và một số hàng mây tre trang trí nội thất cao cấp...
Ngay từ khi sản xuất, ông Nguyễn Khắc Đồng đã xác định rõ ràng yếu tố phát triển cho sản phẩm của mình là kế thừa tinh hoa của làng nghề Bình Phú kết hợp bàn tay tài hoa và sự sáng tạo của người thợ thủ công. Đồng thời, đề cao bản sắc dân tộc và hồn quê Việt Nam để mang lại những sản phẩm chất lượng tốt, có tính thẩm mỹ cao và có giá trị văn hóa truyền thống.
Công ty TNHH Xuất Khẩu Mỹ Nghệ Đại Việt tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. |
Từ Tổ hợp, hợp tác xã nhỏ, Năm 2005 ông Nguyễn Khắc Đồng chuyển sang thành lập Công ty, xây dựng xưởng sản xuất tại khu Làng nghề và mở rộng sản xuất sang một số Tỉnh khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, rộng hơn 1000 m2, nhằm thu hút lao động nông nhàn tại các địa phương. Doanh nghiệp áp dụng bộ máy tinh gọn, được đầu tư máy móc công nghệ hiện đại như máy hấp, máy sấy khô… nhằm sản xuất ra những sản phẩm mây, tre, giang đan bền đẹp, có màu sắc và hương vị tự nhiên, đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Doanh nghiệp cũng tạo công ăn việc làm cho khoảng 20-50 lao động tại địa phương, vừa giữ nghề, vừa phát triển kinh tế.
Sản phẩm OCOP được phát triển từ làng nghề truyền thống
Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của mình, ngoài việc tìm kiếm thị trường, ông Nguyễn Khắc Đồng tập trung vào chất lượng sản phẩm. Ông đã nghiên cứu phương pháp nhuộm màu sắc cho sản phẩm phong phú, sáng tạo đa dạng các mẫu mã. Sau khi hoàn thiện sản phẩm mẫu thì hướng dẫn lại cho người làm nghề trong xưởng.
Ông Nguyễn Khắc Đồng đang thao tác một sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề |
Chia sẻ về quá trình làm nghề, ông Nguyễn Khắc Đồng cho biết: “Chúng tôi tiếp thu những tinh hoa của làng nghề và cũng có bí quyết riêng để chế biến và sản xuất mây tre đan. Doanh nghiệp chú trọng lựa chọn nguyên liệu kỹ càng, đòi hỏi người thợ phải có sự công phu và tỉ mỉ trong mọi công đoạn làm sản phẩm. Một trong những bí quyết đặc biệt mà chúng tôi sử dụng khi sản xuất là công thức phối tạo màu và có sự sáng tạo trong các sản phẩm. Bí quyết tạo màu riêng kết hợp với nguồn sáng tạo vô tận sẽ giúp cho sản phẩm có độ đa dạng về màu sắc và mẫu mã.”
Cụ thể, quy trình chế biến sản phẩm mây tre giang đan đòi hỏi sự trau chuốt, cẩn thận với hai công đoạn chính là phơi sấy và chẻ mây. Mây được đem ra chẻ thành các nan mỏng, người thợ sẽ tùy theo từng sản phẩm mà lựa chọn cách chẻ nan riêng. Các nan sau khi chẻ được đem chuốt để có những sợi mây mượt mà, phẳng bóng, sau đó được phơi ngoài nắng, hoặc sấy cho thật khô, để nước trong sợi mây thoát hết ra ngoài. Để cho sản phẩm có độ đa dạng về màu sắc, sau khi sấy các sợi mây sẽ được nhúng vào các chậu lá cây sòi băm nhỏ đã được nấu sôi. Đây là cách tạo màu hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất giúp cho sản phẩm mây tre đan của Công ty TNHH Xuất Khẩu Mỹ Nghệ Đại Việt không gây hại cho sức khỏe người sử dụng và có độ bền màu cao tới 30 - 40 năm.
Là sản phẩm có tính đặc trưng và nổi bật của làng nghề truyền thống nên thị trường quốc tế là mục tiêu hàng đầu để ông Đồng mang sản phẩm đến. Ông Nguyễn Khắc Đồng tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, không ngại đưa sản phẩm tới đối tác và khách hàng ở nhiều khu vực nhằm tăng cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài. Hiện tại, sản phẩm mây, tre, giang, đan của Đại Việt đã tới tay nhiều khách hàng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Úc…
Không những vậy, ông Nguyễn Khắc Đồng cũng sớm tham gia Chương trình OCOP và có nhiều sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao và 4 sao. Từ chương trình OCOP, các sản phẩm của Công ty TNHH Xuất Khẩu Mỹ Nghệ Đại Việt được nâng tầm thương hiệu, lan tỏa tới nhiều khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng được lãnh đạo huyện Thạch Thất quan tâm nhiều hơn để hỗ trợ phát triển sản phẩm của làng nghề mây tre giang đan Bình Phú.
Một số sản phẩm mây tre giang đan của Công ty TNHH Xuất Khẩu Mỹ Nghệ Đại Việt đạt chất lượng OCOP |
Bà Phùng Thị Hạnh - Phó Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, xác định chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, cùng với việc phát triển các loại nông sản chủ lực, huyện Thạch Thất còn chú trọng phát triển các làng nghề. Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, huyện đã hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc.
Năm 2023, huyện Thạch Thất có thêm 19 sản phẩm OCOP được UBND thành phố đánh giá, xếp hạng. Nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện lên 162 sản phẩm. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2025, huyện Thạch Thất sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu có 300 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 đến 5 sao và tiếp tục là điểm sáng trong thực hiện Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội. Ông Nguyễn Kim Loan - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất chia sẻ.
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội: Thạch Thất là một trong những địa phương đứng đầu thành phố Hà Nội về số lượng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Các chủ thể có sản phẩm OCOP được UBND thành phố công nhận cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để đưa sản phẩm OCOP ngày càng phát triển. Các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm OCOP để người tiêu dùng nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP. |
Bài viết có sự phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội