Sản phẩm OCOP miền Trung – Tây Nguyên: Nỗ lực tìm đầu ra sau dịch Covid – 19
Ảnh minh họa
Sản lượng tiêu thụ tụt giảm mạnh tới 80%
Đó là thực tế đang diễn ra tại hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, thương mại tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên do tác động tiêu cực của dịch Covid – 19, Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, trong đó có các đơn vị có sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng địa phương của các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên đều trong tình trạng sức tiêu thụ bị giảm mạnh do dịch Covid - 19.
Tại cơ sở sản xuất giò chả Thảo Sinh (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) có sản phẩm chả đạt chứng nhận OCOP Đà Nẵng, nếu trước dịch Covid – 19 đơn vị cung ứng mỗi ngày lên đến hàng trăm kg chả các loại cho nhiều sân bay, các khách sạn thì gần 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, sản lượng tiêu thụ đã tụt giảm mạnh tới 80%.
“Chúng tôi phải tạm dừng hoạt động sản xuất trong thời gian giãn cách và mới hoạt động trở lại được khoảng 10 ngày. Nhưng lượng tiêu thụ rất thấp chỉ bằng 20% so với thời điểm chưa có dịch, và chủ yếu bán cho khách lẻ. Các đầu mối tiêu thụ chính hầu hết chưa hoạt động trở lại”, bà Đặng Ngọc Châu, chủ cơ sở chia sẻ.
Với Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên (Thị trấn ĐăkTô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) là đơn vị cung ứng nhiều loại sản phẩm từ dược liệu và nông đặc sản Kon Tum, thị trường rộng khắp cả nước cũng trong tình trạng tượng tự. Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng truyền thống của công ty tụt giảm đến hơn 80%. “Riêng thị trường TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh gần như rơi vào trạng thái “đóng băng”, thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội tỉnh Kon Tum nhưng sức mua cũng thấp”, bà Lương Thị Mỹ Huệ, Giám đốc Công ty cho hay.
Ông Lê Thanh Hạ - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & XTTM TP. Đà Nẵng cho biết, tính đến nay thành phố có 9 sản phẩm thương mại đặc trưng và 18 sản phẩm OCOP, ngoài ra các địa phương còn 9 sản phẩm OCOP 3 sao. Trong thời gian qua, các đơn vị doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, vận chuyển đặc biệt là thị trường tiêu thụ bị chững lại do dịch; các hoạt động kết nối xúc tiến thương mại cũng bị ảnh hưởng nặng nề, không tổ chức được các chương trình trực tiếp.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã đề xuất áp dụng thương mại điện tử trong công tác phòng chống dịch, các hoạt động trên nền tảng số để kết nối các nhà phân phối với doanh nghiệp tiêu thụ”, ông Hạ chia sẻ.
Tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP miền Trung – Tây Nguyên sau dịch Covid – 19
Giao thương trực tuyến đang được xem là giải pháp phù hợp trong bối cảnh dịch Covid - 19 còn phức tạp, giúp các đơn vị có sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Kết nối giao thương trực tuyến của giữa các địa phương Đà Nẵng - Kon Tum - Phú Yên, có sự tham gia của các nhà phân phối, bán lẻ tại tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh
Theo đó, nhằm hỗ trợ các đơn vị OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm đặc trưng của TP. Đà Nẵng, tỉnh Phú Yên, tỉnh Kon Tum kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (XTTM) TP. Đà Nẵng, Trung tâm Khuyến công, XTTM & Tiết kiệm năng lượng tỉnh Phú Yên, Trung tâm Khuyến công &XTTM tỉnh Kon Tum và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) – Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức chương trình kết nối giao thương trực tuyến sản phẩm Đà Nẵng – Phú Yên – Kon Tum.
Tại sự kiện này, hơn 170 sản phẩm gồm sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của 3 địa phương đã tham gia kết nối với sự có mặt của các đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm là các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng OCOP, của hàng thực phẩm sạch….tại 3 địa phương và tại tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh
.
Một góc khu trưng bày sản phẩm
Tỉnh Phú Yên có gần 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất cùng với các sản phẩm đặc trưng của tỉnh và các nhà phân phối của tỉnh tham gia chương trình kết nối để tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh và đưa các sản phẩm mới để đưa sản phẩm về phục vụ cho người dân tại tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, chương trình kết nối giao thương trực tuyến tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại Phú Yên, Đà Nẵng, Kon Tum liên kết, tiêu thụ sản phẩm. “Với vai trò của mình, Sở Công Thương Phú Yên, Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng truyền thống, có thế mạnh của địa phương được tiếp cận với hệ thống phân phối và người tiêu dùng; tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh,mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm hỗ trợ nhau khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương”, bà Bích nói.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho rằng, trong bối cảnh các đơn vị OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng đang còn gặp nhiều khó khăn, chương trình giúp doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá, xúc tiến bán hàng, góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19.
Hơn 170 sản phẩm OCOP của 3 địa phương Đà Nẵng - Kon Tum - Phú Yên được trưng bày tại đầu cầu Đà Nẵng để các nhà phân phối, bán lẻ tìm hiểu, kết nối; ngoài ra còn có thông tin các sản phẩm trực tuyến để các đầu cầu khác tìm hiểu khi có nhu cầu kết nối tiêu thụ.
Mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị phân phối, bán lẻ tham gia chương trình sẽ có một mã QR Code với đầy đủ thông tin kết nối. Các doanh nghiệp, đơn vị OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng muốn kết nối thông tin với hệ thống phân phối bán lẻ tham gia chương trình sẽ quét QR Code để gặp gỡ trực tuyến; và ngược lại, các nhà phân phối, bán lẻ muốn tìm hiểu thông tin sản phẩm nào sẽ quét QR Code để trao đổi với nhà sản xuất.
Minh Khuê