Tiền Giang: Hỗ trợ thành lập hợp tác xã tham gia chương trình OCOP
Nhận định tầm quan trọng của Chương trình OCOP trong việc thúc đẩy phát triển nông thôn mới bền vững, suốt thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang đã hoàn thiện và phát hành nhiều tài liệu tuyên truyền liên quan đến Chương trình. Đồng thời, tổ chức nhiều buổi tập huấn và hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới hoàn thiện hồ sơ tham gia.
Đối với các chủ thể OCOP, địa phương cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia xúc tiến thương mại, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tiêu thụ, xuất khẩu nông đặc sản và kết nối đưa sản phẩm đến các điểm trưng bày, hội chợ, triển lãm, diễn đàn, các trang thông tin như: ketnoiocop.vn, nongnghiep.tiengiang.gov.vn,… Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Các sản phẩm OCOP Tiền Giang tại Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023 ở TP. HCM |
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 216 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, bao gồm 121 sản phẩm hạng 3 sao và 95 sản phẩm hạng 4 sao. Nhóm thực phẩm có 167 sản phẩm, nhóm đồ uống có 34 sản phẩm, nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu có 8 sản phẩm, nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch có 4 sản phẩm, đến từ 99 chủ thể, gồm 19 HTX, 33 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 46 hộ kinh doanh. Trong đó, có 2 sản phẩm (sản phẩm Trà trái mãng cầu xiêm của Công ty TNHH Travipha và Sầu riêng đông lạnh của Công ty TNHH MTV trái cây Thủy) đang xét duyệt là sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Bên cạnh các sản phẩm đặc trưng thuộc nhóm nông sản, thực phẩm, đồ uống, gia vị,… Tiền Giang có 3 sản phẩm thuộc nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tham gia vào Chương trình. Điển hình là sản phẩm giỏ bàng của Hợp tác xã Dịch vụ - Thương mại - Nông nghiệp Phú Mỹ (xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước).
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương vẫn còn một số khó khăn, cần sớm được các cơ quan có liên quan quan tâm, tháo gỡ vướng mắc.
Tỉnh tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP |
Theo ông Võ Văn Lập, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang: “Tiến độ tổ chức tập huấn và in ấn tài liệu hướng dẫn OCOP chưa diễn ra theo kỳ vọng. Một số chủ thể chưa hoàn toàn chủ động trong việc phát triển sản phẩm mới và chưa chú ý vào việc nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận. Bên cạnh đó, vấn đề ứng dụng công nghệ, hướng dẫn chủ thể OCOP đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử cũng còn hạn chế, khó tiếp cận.
Trên cơ sở đó, với vai trò là đơn vị đảm nhận phát triển Chương trình OCOP tại địa phương, Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang đã đề xuất một số phương hướng dự kiến triển khai trong thời gian tới, bao gồm: Tăng cường hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn triển khai chương trình; đào tạo và tập huấn cho các chủ thể sản xuất tham gia, tổ chức đánh giá và xếp hạng các sản phẩm OCOP; triển khai các chính sách hỗ trợ như quản lý nhãn hiệu, xúc tiến thương mại; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, đáng chú ý là đề xuất lồng ghép các chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP tại tỉnh Tiền Giang. Bao gồm, tập trung hướng dẫn và hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất để tham gia Chương trình OCOP và thành lập hợp tác xã (HTX). Ngoài ra, địa phương cũng tổ chức các hoạt động hướng dẫn và tư vấn cho các tổ chức kinh tế có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP về việc nâng cấp cơ sở sản xuất, liên kết sản xuất gắn với thị trường, nâng cao giá trị gia tăng theo các chính sách hỗ trợ theo quy định.