Huyện Thanh Hà phấn đấu xây dựng nhiều sản phẩm OCOP chất lượng
Từ năm 2019, việc xây dựng các sản phẩm OCOP được huyện Thanh Hà xác định là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Vì vậy, địa phương tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn, các xã, thị trấn triển khai chương trình gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Huyện tổ chức đào tạo, tập huấn cho 100% số cán bộ cấp xã tham gia chương trình OCOP, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP.
![]() |
Sản phẩm OCOP huyện Thanh Hà góp phần đa dạng OCOP của tỉnh Hải Dương. |
Dù sản phẩm OCOP ở Thanh Hà chủ yếu là nông sản chưa qua chế biến nhưng luôn được đánh giá cao vì đa số được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Về lâu dài, từ các sản phẩm sẵn có, huyện định hướng phát triển chế biến nông sản chiều sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiện nay, huyện Thanh Hà có 6 chủ thể tham gia OCOP với 14 sản phẩm, là một trong những địa phương có số lượng sản phẩm cao trong tỉnh. Mặc dù vậy, huyện không chạy theo thành tích mà chú trọng tới chất lượng, đánh giá khả năng xếp hạng để có kế hoạch xây dựng phù hợp. Sau khi đơn vị chức năng khảo sát thực trạng đã tư vấn cho 3 chủ thể với 4 sản phẩm đề nghị không tham gia OCOP trong năm nay để chuẩn bị chu đáo hơn cho năm sau.
![]() |
Huyện Thanh Hà tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng. |
Không chỉ phát triển các sản phẩm OCOP mới, huyện còn vận động các chủ thể tiếp tục nâng hạng sao. Những sản phẩm tiềm năng, có thể trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh, quốc gia sẽ được ưu tiên đầu tư. Đến hiện tại, các chủ thể đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chí sản phẩm OCOP, đang tiếp tục thực hiện tiêu chí mềm để giành điểm lợi thế. Với sự chủ động này, huyện Thanh Hà được kỳ vọng sẽ có nhiều sản phẩm OCOP sáng giá trong năm nay.
![]() |
Vải thiều là một trong những thế mạnh của huyện Thanh Hà khi tham gia OCOP. |
Đến năm 2025, huyện Thanh Hà đặt mục tiêu có ít nhất 15 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; có 25% sản phẩm OCOP được củng cố và nâng cấp, có ít nhất 30% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại và định hướng xuất khẩu. Hằng năm, có từ 5 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; từ 8-10% sản phẩm OCOP được nâng cấp hạng sao. Có ít nhất 10% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại.
Để đạt các mục tiêu trên, bên cạnh việc tuyên truyền quảng bá, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp và chủ thể, huyện sẽ lựa chọn sản phẩm tham gia Chương trình và chuẩn hóa, nâng cấp cho sản phẩm. Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển và nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, đưa sản phẩm OCOP của huyện trở thành sản phẩm thương hiệu cấp tỉnh, cấp quốc gia. Việc phát triển sản phẩm sẽ gắn với xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, an toàn dịch bệnh. Ngoài ra phát triển theo 6 nhóm sản phẩm gắn với giá trị văn hóa và lợi thế của địa phương như dịch vụ du lịch cộng đồng.
Tin mới hơn





Tin khác













