Thanh Hóa: Gắn văn hóa địa phương vào sản phẩm OCOP
Thời gian qua, Chương trình OCOP đã có tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng.
Sản phẩm trống đồng Toàn Linh của huyện Thiệu Hóa được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2021
Năm 2021, 4 sản phẩm của huyện Thiệu Hóa, gồm: Trống đồng Toàn Linh, Mặt Trống đồng Toàn Linh, Trống đồng Bảy Tuyên và tranh đồng cá chép trông trăng được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là cơ hội để một trong những sản phẩm được xem là tinh hoa của làng nghề trường tồn hàng trăm năm tuổi có cơ hội khẳng định, truyền bá giá trị văn hóa tới thị trường, cộng đồng. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu, chủ thể sản xuất nên 2 sản phẩm OCOP 4 sao là Trống đồng Toàn Linh và Mặt Trống đồng Toàn Linh, cho biết: Với mong muốn tạo nên những sản phẩm từ đồng hoàn hảo, ngoài mang giá trị thẩm mỹ, chúng tôi còn muốn gửi gắm những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi lẽ đó, trong mỗi sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi đều lựa chọn những họa tiết, hoa văn trên bề mặt, như: hình ngôi sao, chim lạc, các biểu tượng nhạc cụ, các loại trang phục cổ xưa, hình ảnh nhà sàn dân tộc, các hoạt động đời sống con người như múa, đánh trống... Thông qua những hoạt tiết đó, chúng tôi muốn gửi gắm những ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, truyền thống và đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng để người tiêu dùng, thị trường biết và trân trọng sản phẩm hơn.
Trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP, các địa phương và chủ thể cũng chú trọng xây dựng nhóm sản phẩm có nguồn gốc từ núi rừng, mang đặc trưng, đại diện cho đời sống sản xuất sinh hoạt của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Trong đó, các sản phẩm thịt gác bếp, khâu nhục, măng khô, bò khô... là những sản phẩm độc đáo, được người tiêu dùng đánh giá cao. Chị Nguyễn Ngọc Ánh, du khách đến từ Hà Nội, cho biết: Sau chuyến nghỉ dưỡng tại thành phố biển Sầm Sơn, được tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa, tôi rất ấn tượng với những sản phẩm thịt trâu gác bếp, bò khô... Bởi, ngoài hình thức, bao bì đẹp mắt thì chất lượng sản phẩm rất tốt. Các sản phẩm đều chứa đựng hương vị riêng có trong văn hóa ẩm thực của người dân. Thông qua các sản phẩm, tôi cảm nhận được đời sống sinh hoạt, văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Những họa tiết trang trí trên mặt trống đồng thể hiện hoạt động sản xuất, sinh hoạt và văn hóa của cộng đồng dân cư xưa.
Thanh Hóa đã phát triển được 317 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, thuộc 4 nhóm ngành là thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, thảo dược. Trong đó, có nhiều sản phẩm xuất phát từ những làng nghề, nghề truyền thống, bắt nguồn, chứa đựng những nét văn hóa truyền thống gắn với sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, đến hết tháng 5-2023, trên địa bàn tỉnh đã có 5 huyện gồm Thạch Thành, Đông Sơn, Quảng Xương, Lang Chánh, Thiệu Hóa tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, với hàng chục sản phẩm đang được hoàn thiện thủ tục công nhận. Với mỗi sản phẩm mới, chủ thể đã thể hiện được truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa của sản phẩm trong suốt chiều dài thời gian. Theo đó, những tác động của sản phẩm đến cộng đồng không chỉ dừng lại ở sự hữu hình như tạo việc làm, nâng cao thu nhập... mà còn là sự chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.
Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh, cho biết: Theo Quyết định 148/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tiêu chí mới nhấn mạnh đến yếu tố câu chuyện về sản phẩm OCOP. Câu chuyện có thể từ của một làng, một xã và thể hiện được nét văn hóa trong sản phẩm. Sản phẩm OCOP cần gắn với nét đẹp truyền thống, văn hóa, sự đoàn kết của làng xã. Đây là giá trị cốt lõi, giá trị nhân văn trong sản phẩm OCOP. Do đó, để sản phẩm OCOP thực sự trở thành “sứ giả” của địa phương thì chính quyền, chủ thể cần xây dựng được câu chuyện sản phẩm tốt.
Lê Hoà