Thanh Hóa: Phát triển sản phẩm OCOP
Sản phẩm OCOP 5 sao mắm tôm Lê Gia
Đến nay, huyện Hoằng Hóa đã có 12 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm được Hội đồng đánh giá xếp loại Trung ương đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao (Mắm tôm Lê Gia); 2 sản phẩm đạt 4 sao và 9 sản phẩm đạt 3 sao, cụ thể: Năm 2019: Có 3 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, xếp hạng 4 sao gồm: Nước mắm cốt đặc biệt, Mắm tôm, Mắm tép của công ty TNHH thực phẩm & TMDV Lê Gia xã Hoằng Phụ. Năm 2020 có 4 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, xếp hạng 3 sao gồm: Đông trùng hạ thảo Lạch Trường, Rượu đông trùng hạ thảo Lạch Trường, của hộ SXKD Nguyễn Hữu Tấn, xã Hoằng Thanh; Dưa hấu đồng quê của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thắng; Nước mắm bà Hoan-cá cơm cốt đặc biệt của Công ty TNHH Khuê Các, xã Hoằng Phụ. Đặc biệt năm 2020 huyện Hoằng Hóa có 1 sản phẩm được Hội đồng đánh giá xếp loại Trung ương đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia là: Mắm tôm của Công ty TNHH thực phẩm và TMDV Lê Gia. Đây là sản phẩm tđầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chuẩn 5 sao OCOP cấp Quốc gia.
Năm 2021 có 5 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, xếp hạng 3 sao gồm: Mắm tôm, mắm tép bà Hoan của công ty TNHH Khuê Các; sản phẩm dưa vàng Nhung Farm, xã Hoằng Thắng; nước mắm cốt Tân Mai xã Hoằng Phụ; rượu sim rừng Bảo An xã Hoằng Xuân.. Đến nay, Hoằng Hóa là một trong các địa phương có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất cả tỉnh.
Không chỉ có huyện Hoằng Hóa, huyện Quảng Xương, thực tế cho thấy, trong những năm qua, với những nỗ lực, phấn đấu nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, vượt qua khó khăn, thử thách, Chương trình OCOP của tỉnh đã gặt hái được nhiều thành tích đáng kể. Giai đoạn 2018 – 2020, Thanh Hóa đứng thứ 10 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, có hai sản phẩm đề xuất Trung ương xếp hạng 5 sao, trong đó 1 sản phẩm đã được xếp hạng; sản phẩm mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất và chè sạch của HTX nông – lâm – nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) được công nhận sản phẩm tiêu biểu vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh việc tham gia các hội chợ, triển lãm và tiêu thụ trong nước, nhiều sản phẩm OCOP đã mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nhất là một số thị trường khó tính như: Mỹ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Từ những kết quả ban đầu ấy, Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa rộng rãi từ huyện đến cơ sở. Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp và có nhiều chuyển biến rõ tích cực về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm được chứng nhận OCOP đều đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm trở lên, nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến như: VietGAP, ISO, HACCP... để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
So với nhiều địa phương khác, Thanh Hóa là một trong những tỉnh tham gia Chương trình OCOP tương đối sớm. Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng những bước đi ban đầu không tránh khỏi khó khăn, thử thách. Bởi lẽ, đây là một chương trình hoàn toàn mới, mới ngay với cả các cấp quản lý, điều hành cho đến người dân. Nhận thức về Chương trình OCOP cũng như về phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn chưa đầy đủ. Các sản phẩm tuy đa dạng, phong phú nhưng phần lớn đang ở dạng tiềm năng, nhỏ lẻ, manh mún. Lao động nông thôn hạn chế về tư duy thương mại, hàng hóa, chủ yếu sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, ứng dụng khoa học - công nghệ rất thấp... Công tác chỉ đạo, điều hành của một số địa phương còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, thường xuyên, sâu sát. Trên địa bàn toàn tỉnh, hiện còn 6 huyện chưa có sản phẩm OCOP là Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh, Cẩm Thủy, thị xã Bỉm Sơn, TP Sầm Sơn; chưa có nhiều sản phẩm OCOP lên kệ siêu thị, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Nhìn chung đến nay, những kết quả ban đầu của chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã tạo sức lan toả rộng rãi. Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp và có nhiều chuyển biến tích cực về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu.
Xuân Mạnh(TH)